Các phái đoàn của khoảng 20 quốc gia đã tụ họp tại Alaska để tham dự một hội nghị về những tác động của biến đổi khí hậu ở vùng Bắc Cực. Phái đoàn Mỹ, gồm có Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry, chủ trì một loạt các phiên họp với các nhà hoạch định chính sách, các khoa học gia và những tổ chức phi chính phủ để thảo luận về các phương cách đối phó với các vấn đề như ảnh hưởng của việc trái đất ấm dần đối với Bắc Cực. Thông tín viên Đài VOA tại Bộ Ngoại giao Mỹ Pam Dockins tường thuật.
Những người dân bản địa tại hội nghị nói họ đang ở tuyến đầu chống lại biến đổi khí hậu. Ông Lee Stephen, tộc trưởng một bộ tộc Alaska nói:
“Chúng tôi rất, rất quan tâm đến Trái Đất, của chúng ta. Nhưng Alaska không gây nên tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Tuy nhiên những hoạt động của trái đất tác động đến Alaska.”
Những người tham dự hội nghị nói những quan ngại về khí hậu tại Bắc Cực gồm có nhiệt độ gia tăng, băng trên biển thu hẹp lại và con số các vụ cháy rừng cũng gia tăng do môi trường khô hơn, nóng hơn.
Ngoại trưởng Kerry gọi biến đổi khí hậu là một “thách thức lớn lao” sẽ trở nên tệ hại hơn nếu không giải quyết và sẽ đưa đến điều ông gọi là “những người tị nạn khí hậu.”
“Quí vị nghĩ di dân là một thách thức cho châu Âu hiện nay vì các phần tử cực đoan. Quí vị hãy chờ xem những gì xảy ra khi không có nước, không có lương thực và bộ tộc này chống lại bộ tộc kia chỉ để sống còn.”
Tuy nhiên, một số chính sách của Mỹ trong vùng đã bị chỉ trích, như quyết định của Tổng thống Barack Obama cho phép Công ty Dầu khí Shell nới rộng việc khoan dầu ngoài khơi Alaska.
Tổng thống Barack Obama nói:
“Chúng tôi không tự động đóng dấu cho phép. Chúng tôi nói rõ là Shell phải đáp ứng với những tiêu chuẩn cao của chúng tôi về việc làm thế nào tiến hành những hoạt động của họ.”
Tổng thống Mỹ nói an toàn là vấn đề quan trọng nhất.
Trong một thông cáo chung, các bộ trưởng tại hội nghị biến đổi khí hậu tái xác nhận những cam kết đối với những biện pháp làm chậm lại việc quả đất ấm dần.
Các vị bộ trưởng hứa ủng hộ những nỗ lực để giảm khí thải carbon và tăng cường các hoạt động nghiên cứu tại Bắc Cực.