Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 13/1 nói với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida rằng Hoa Kỳ vẫn hết sức dốc lòng trong liên minh với Nhật Bản, đồng thời ca ngợi những cải cách quốc phòng “lịch sử” của Tokyo.
Ông Kishida đang ở Washington với chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du đến các cường quốc công nghiệp G7 và đang tìm cách củng cố các liên minh lâu đời trong bối cảnh Nhật Bản và Hoa Kỳ ngày càng lo ngại về các mối đe dọa an ninh khu vực ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
Trong một cuộc họp tại Toà Bạch Ốc, ông Biden gọi đây là “thời khắc đáng chú ý” trong liên minh Mỹ-Nhật và cho biết hai quốc gia chưa bao giờ thân thiết hơn thế.
“Cho phép tôi nói rõ: Hoa Kỳ dốc lòng với liên minh này toàn diện, triệt để, hoàn toàn và quan trọng là ... với quốc phòng của Nhật Bản,” ông nói, đồng thời cảm ơn ông Kishida vì sự lãnh đạo mạnh mẽ trong việc hợp tác chặt chẽ về các vấn đề công nghệ và kinh tế.
Ông Biden nói: “Chúng tôi đang hiện đại hóa các liên minh quân sự của mình, dựa trên sự gia tăng lịch sử của Nhật Bản trong chi tiêu quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia mới”.
Ông Kishida cảm ơn ông Biden vì việc làm của Hoa Kỳ đối với an ninh khu vực và nói: “Nhật Bản và Hoa Kỳ hiện đang đối mặt với môi trường an ninh phức tạp và thách thức nhất trong lịch sử gần đây.”
Ông nói Tokyo xây dựng chiến lược quốc phòng mới, công bố hồi tháng trước, “nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.
Ông nói hai nước chia sẻ các giá trị cơ bản về dân chủ và pháp quyền “và vai trò mà chúng ta đang đảm nhận ngày càng trở nên lớn hơn.”
Thay đổi quân sự quan trọng
Tháng trước, Nhật Bản tuyên bố tăng cường quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến Thứ hai - một sự khởi đầu đầy kịch tính từ bảy thập niên theo chủ nghĩa hòa bình, phần lớn được thúc đẩy bởi những lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gặp nhau hôm 11/1 và tuyên bố tăng cường hợp tác an ninh sau gần hai năm đàm phán và các quan chức Hoa Kỳ ca ngợi các kế hoạch xây dựng quân đội của Tokyo.
Kế hoạch cải cách quân sự của Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và mua phi đạn có thể tấn công tàu hoặc mục tiêu trên đất liền cách xa 1.000 km.
Ông Kishida trước đó đã gặp Phó Tổng thống Kamala Harris, người cho biết mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là “sắt thép” và hai bên sẽ ký một thỏa thuận về hợp tác không gian vào cuối ngày.
Cùng với vai trò chủ tịch G7, Nhật Bản đảm nhận nhiệm kỳ hai năm trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ ngày 1/1 và giữ chức chủ tịch luân phiên hàng tháng của cơ quan gồm 15 thành viên này vào tháng Giêng.
Chất bán dẫn
Ông Kishida từng nói ông ủng hộ nỗ lực của ông Biden nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với chất bán dẫn tiên tiến bằng các hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, ông vẫn chưa đồng ý việc cũng áp dụng các biện pháp hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip mà Hoa Kỳ áp đặt vào tháng 10.
Quan chức Hoa Kỳ cho biết Washington đang hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản về vấn đề này và tin rằng họ có chung tầm nhìn ngay cả khi cấu trúc pháp lý của họ khác nhau.
Chuyến thăm của ông Kishida diễn ra sau chuyến thăm của ông Biden tới Tokyo vào tháng 5 năm ngoái và cuộc gặp giữa hai người tại hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Campuchia vào tháng 11.
Ông Christopher Johnstone, người đứng đầu chương trình Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington và cho đến gần đây là Giám đốc Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, nói chuyến thăm Washington của ông Kishida là một “thành tựu” cho các cải cách an ninh của ông và có thể mang lại cho ông một lực đẩy chính trị trong nước.
Hoa Kỳ và Nhật Bản ngày 13/1 cũng nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, đồng thời cảnh báo chống lại bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga ở Ukraine.
Hai quốc gia, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, cũng viện dẫn “những hành động khiêu khích” của Triều Tiên trong một tuyên bố chung do Toà Bạch Ốc đưa ra.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”, tuyên bố viết.