Mỹ và Ả-rập Saudi nhất trí về tầm quan trọng của việc ngăn chặn Iran "thủ đắc vũ khí hạt nhân" trong một chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, một thông cáo chung do hãng thông tấn nhà nước Ả-rập Saudi (SPA) cho biết.
Thông cáo nói ông Biden cũng khẳng định Mỹ tiếp tục cam kết hỗ trợ "an ninh và phòng thủ lãnh thổ của Ả-rập Saudi, và tạo điều kiện cho Vương quốc này có được các năng lực cần thiết để bảo vệ người dân và lãnh thổ của mình trước các mối đe dọa từ bên ngoài."
Tehran và Riyadh, hai cường quốc hàng đầu theo hai nhánh Hồi giáo Shia và Sunni ở Trung Đông, đã cắt đứt quan hệ vào năm 2016 vì ủng hộ các phe đối nghịch trong các cuộc chiến ủy nhiệm khắp khu vực, từ Yemen đến Syria và các nơi khác.
Ả-rập Saudi và Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn hơn nữa sự can thiệp của Iran vào "việc nội bộ của các quốc gia khác, việc nước này hỗ trợ khủng bố thông qua các thế lực ủy nhiệm vũ trang, và nỗ lực của nước này làm xáo trộn an ninh và ổn định của khu vực," thông cáo nói.
Cả hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì dòng chảy thương mại tự do thông qua các tuyến đường thủy quốc tế chiến lược như Bab al-Mandab và Eo biển Hormuz.
Năm 2015, Iran kí một thỏa thuận với sáu cường quốc để hạn chế chương trình hạt nhân của mình khiến việc thủ đắc vũ khí khó khăn hơn, đổi lại họ được giảm bớt các chế tài kinh tế. Iran nói chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm phát triển năng lượng nguyên tử dân dụng.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước này, nói rằng hiệp ước này chưa đủ để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Iran kể từ đó đã tăng cường một số hoạt động hạt nhân, đặt ra thời hạn cho nỗ lực quay trở lại thỏa thuận trong các cuộc đàm phán giữa các cường quốc phương Tây và Tehran ở Vienna.