10.000 người sẽ mất việc trong cuộc ‘quy hoạch’ truyền thông Việt Nam

Sạp bán báo trên đường phố Hà Nội, ngày 26 tháng 9, 2015.

Sạp bán báo trên đường phố Hà Nội, ngày 26 tháng 9, 2015.

Đề án ‘Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí Việt Nam đến năm 2025’ sẽ khiến khoảng 4.000 nhà báo có thẻ và 6.000 nhân viên hành chính bị mất việc tính đến năm 2020. Reuters trích nguồn tin của báo Tuổi Trẻ cho biết hôm 26/9.

Theo nội dung được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam công bố một ngày trước đó, 25/9, việc quy hoạch báo chí dựa trên mục tiêu căn bản vốn xem báo chí là ‘công cụ tuyên truyền’, ‘vũ khí tư tưởng quan trọng’ của Đảng Cộng sản, do đó việc cải tổ sẽ xoay quanh việc thắt chặt quản lý đối với ngành công nghiệp đang có nhiều thay đổi này.

Số lượng ấn phẩm của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên đến khoảng 1.100 ấn phẩm trong vòng 15 năm qua. Tuy nhiên, sự phát triển của các trang mạng xã hội và internet trong những năm qua đã gây khó khăn không ít cho sự quản lý của đảng cầm quyền.

Theo đề án quy hoạch mới, đến năm 2020, nhiều báo đài truyền hình lâu nay vốn dựa vào nguồn ngân sách sẽ phải tự chủ về tài chính. Nhà nước chỉ hỗ trợ phát triển một số báo, đài chủ lực, có khả năng thu hút công chúng và ‘định hướng dư luận’.

Báo Tuổi Trẻ trích lời Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Thế Kỷ nói sau khi sắp xếp, ‘sẽ có một số bộ phận, một số người làm báo có thể dôi dư’, nhưng ông này cho rằng hiện có nhiều nhà báo ‘ngồi nhầm chỗ, không có khả năng viết lách’ nên ‘cần tiết giảm những vị trí không có tác dụng’.

Với đề án quy hoạch báo chí mới, Việt Nam vẫn không cho phép có báo chí tư nhân và thương mại hóa truyền thông nhằm ‘cải thiện chất lượng và khả năng thông tin’, theo lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son được Reuters trích dẫn trong buổi họp báo công bố nội dung đề án.

Theo Reuters, Tuổi Trẻ.

Your browser doesn’t support HTML5

Truyền hình vệ tinh VOA 26/9/2015