15 năm gia nhập APEC: Việt Nam được và mất gì?

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội.

Việt Nam mới đây đã đánh dấu hơn một thập kỷ gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Hội nghị "APEC trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của thế kỷ 21" diễn ra tại Hà Nội hôm 15/11 được xem như là một sự kiện kỷ niệm 15 năm Việt Nam vào APEC.

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nhận định với VOA Việt Ngữ rằng việc gia nhập cộng đồng kinh tế này là một chiến lược đúng đắn’ và là ‘một trong các cột mốc đáng ghi nhớ của việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam’.

“Trong cuộc hội nhập ấy, rõ ràng, Việt Nam đã có mở rộng được xuất khẩu những sản phẩm của Việt Nam như nông sản, như gạo, như cà phê, như hạt tiêu, và hàng thủy sản. Các sản phẩm đó đã tìm được thị trường và vươn ra nước ngoài. Thứ hai nữa là Việt Nam đã thu hút được đáng kể đầu tư nước ngoài, đã tạo được công ăn việc làm và đã góp phần vào việc tăng thêm đầu tư và có đóng góp ở mức độ nhất định cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Điểm thứ ba là Việt Nam đã mở rộng ra được đối với kinh tế thế giới, đã cử được nhiều sinh viên ra học tập ở nước ngoài, đã mở rộng được quan hệ đối ngoại, đã củng cố cũng như tăng thêm được vị thế quốc tế của Việt Nam.”

Trong cuộc hội nhập ấy, rõ ràng, Việt Nam đã có mở rộng được xuất khẩu những sản phẩm của Việt Nam như nông sản, như gạo, như cà phê, như hạt tiêu, và hàng thủy sản. Các sản phẩm đó đã tìm được thị trường và vươn ra nước ngoài...
Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh.
APEC ra đời tháng 11/1989 với 12 thành viên khi châu Á nổi lên là một khu vực có tốc độ phát triển thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

APEC hiện đã trở thành cơ chế hợp tác kinh tế lớn nhất trong khu vực với 21 thành viên, đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Doanh, những kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi tham gia APEC ‘chưa phải là trọn vẹn’.

“Việt Nam không tiếp tục cải cách mạnh mẽ các luật pháp, quy định ở trong nước cũng như nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính cho nên dù có mở cửa, có hội nhập nhưng mà những mặt hội nhập ngoài kinh tế của Việt Nam thì đang còn hạn chế. Thứ hai nữa là hội nhập, Việt Nam phải gia nhập các chuỗi giá trị, tức là các sản phẩm của Việt Nam phải nằm trong chuỗi giá trị của thế giới, ví dụ như các hàng nông sản phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế, rồi thì sau đó sẽ được chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thì Việt Nam vẫn chưa làm được điều ấy. Các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam thì chủ yếu công việc của Việt Nam là lắp ráp và chế tác các phần giá trị gia tăng thấp nhất, trong khi các nấc thang cao hơn như nghiên cứu, triển khai, như là thiết kế và phân phối thì Việt Nam chưa tham gia được, nên lợi nhuận thấp. Điểm thứ ba nữa là Việt Nam vẫn chưa nâng cao được chất lượng lao động, trình độ lao động. Trình độ giáo dục đào tạo ở cấp đại học của Việt Nam là thấp”.

Ngoài ra, kinh tế gia này cho rằng Việt Nam chưa tận dụng được một cách đầy đủ từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, chưa thúc đẩy được các tiến bộ ở trong nước về tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như nguồn nhân lực."

Việt Nam không tiếp tục cải cách mạnh mẽ các luật pháp, quy định ở trong nước cũng như nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính cho nên dù có mở cửa, có hội nhập nhưng mà những mặt hội nhập ngoài kinh tế của Việt Nam thì đang còn hạn chế...
Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh.
Theo ông Doanh, Việt Nam rõ ràng tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực trong một số lĩnh vực và cần phải thực hiện nhiều cải tổ để thực sự hội nhập với kinh tế toàn cầu.

“Ví dụ như so sánh với Thái Lan, chúng ta thấy rõ là kết cấu hạ tầng của Việt Nam tụt hậu hơn, và trình độ nguồn nhân lực cũng hạn chế hơn rồi chất lượng của các thể chế trong quan hệ đối với kinh doanh thì Việt Nam cũng xếp sau. Vì vậy cho nên Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm và cần phải có những biện pháp để tận dụng các lợi thế của hội nhập, để nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính, của luật pháp cũng như cải thiện kết cấu hạ tầng như là các dịch vụ hậu cần, bến cảng và sân bay để cho Việt Nam phát huy được các lợi thế so sánh của mình”.

Báo chí trong nước mới đây dẫn lời Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng việc tham gia APEC cách đây 15 năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam.

Việc gia nhập diễn đàn này còn được coi là một cơ sở quan trọng cho quá trình hội nhập của Việt Nam và là nền tảng cho việc ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000 cũng như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.