Multiple sclerosis (đa xơ cứng)

Trong ảnh tư liệu ngày 24/2/2015 này, bệnh nhân tên Kimberly Davis ở Jackson, Mississippi, cầm các lọ thuốc mà bà đang dùng để kéo chậm lại chứng đa xơ cứng.

Thính giả Nguyễn Viêt Mỹ ở bang Pennsylvania hỏi về đa xơ cứng.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Multiple sclerosis (đa xơ cứng)

Cũng như mọi khi tôi xin nói rõ trước là những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin tổng quát, không áp dụng cho cá nhân và không có mục đích giúp thính giả tìm cách tự chữa bịnh.

Bịnh này gọi là multiple sclerosis ( MS) (đa xơ cứng), nhưng xin chú ý đây không nói về xơ cứng xương khớp, mà từ "xơ cứng" (sclerosis) được các bs giải phẩu học thế kỷ thứ 19 dùng để mô tả những mảng (plaque) mô sờ cưng cứng như mô thẹo, rải rác trong não bộ và tuỷ sống bịnh nhân lúc giải phẩu tử thi ( multiple =đa; sclerosis, từ la tinh có nghĩa là thẹo [scar]).

Các sợi trong bó dây thần kinh được bao bọc bởi một chất mỡ bảo vệ gọi là myelin, và dòng điện dẫn truyền riêng rẽ theo từng sợi thẩn kinh. Cũng giống như trong dây cáp video mỗi sợi dây điện trong đó có lớp nhựa bao bọc, làm điện không bị " mát dây". Trong bịnh MS , các tế bào hệ miễn nhiễm (immune system) phá huỷ chất myelin của dây thần kinh, và phá huỷ các tế bào “oligodendrocyte” sản xuất chất myelin này.

Các tế bào phòng thủ hệ miễn nhiễm tấn công chất myelin trong não bộ, trong dây thần kinh thị giác và trong tuỷ xương sống, tạo nhiều hư hại, trong vùng chất trắng (white matter) cũng như chất xám (grey matter) của não bộ và gây những triệu chứng thần kinh như mất khả năng trí tuệ (loss of cognitive abilities), mệt mỏi (fatigue), chóng mặt, trầm cảm (depression), liệt các cơ của cơ thể (paralysis). Viêm dây thần kinh thị giác (optic neuritis) có thể là triệu chứng đầu tiên của MS, một bịnh của hệ thần kinh (nervous system), bao gồm bộ óc (brain) và tuỷ sống (spinal cord).

Yếu tố di truyền

Bịnh MS có thể gắn liền với một số yếu tố di truyền. Tính theo thống kê thì bà con người bịnh (cha mẹ, anh chị em, cô dì chú bác) có thể bị MS nhiều hơn là những người mà gia đình không mắc bịnh. Anh chị em ruột của người bịnh MS (siblings) có xác suất bịnh (cơ nguy) chừng 3-5%.

Người ta nghĩ rằng có nhiều gen khác nhau quyết định có phát bịnh MS trong một cá nhân.

Hoàn cảnh môi trường

Có thuyết cho rằng người mắc bịnh sinh ra với một xu hướng bẩm sinh, làm cho người đó phản ứng thế nào đó với một yếu tố nào đó trong môi trường sống và do đó gây ra bịnh MS; nói một cách khác có một khuynh hướng bẩm sinh do di truyền nhưng cũng cần hoàn cảnh môi trường thích hợp thì bịnh MS mới phát ra được.

Có một số nghiên cứu làm cho người ta nghi rằng một số virus có thể là nguyên nhân gây MS như Epstein Barr (gây ra bịnh sưng họng rất truyền nhiễm của thanh thiếu niên, gọi là mononucleosis hay “bịnh hôn” [kissing disease]); virus bịnh viêm gan; hay virus bịnh trái rạ (thuỷ đâu, chickenpox), nhưng chưa có bằng chứng rõ rệt về tương quan nhân quả giữa các virus này và bịnh MS.

Hormone nam , testosterone có khả năng giảm các hiện tượng tự miễn nhiễm, có lẽ vì vậy mà nam giới ít bị MS hơn nữ giới. Hormon nữ estrogen và progesterone cũng có tác dụng che chở đối với hiện tượng tự nhiễm, có thể giải thích phụ nữ thấy bịnh MS của mình giảm đi đáng kể lúc có bầu, do hai hormone kể trên gia tăng nhiều lúc thai kỳ. Tác dụng của các thuốc statin (làm giảm cholesterol trong máu), của vitamin D và của việc tập luyện thể chất, cơ thể có thể có ích và đang được nghiên cứu.

Chẩn đoán bịnh đa xơ cứng (MS)

Dựa trên các tiêu chuẩn:

- bằng chứng khách quan chứng minh có 2, hoặc nhiều hơn, dấu hiệu tổn thương ở não bộ hoặc tuỷ sống

-các dấu hiệu này trải dài trong thời gian và không gian

Có nghĩa là các tổn thương xảy ra trên hai vùng khác nhau của hệ thần kinh trung ương, và cách nhau trên 3 tháng.

Chữa trị bịnh MS

Trong 10 năm qua, chữa trị bịnh MS đã cải thiện hơn nhiều, nhờ những thuốc mới được dùng ngay sau khi bịnh nhân được xác nhận là mắc bịnh đa xơ cứng (MS), và các tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh (imaging) bằng MRI, tuy chúng ta vẫn cần những liệu pháp tốt hơn, hữu hiệu hơn.

Cần bác sĩ chuyên khoa thần kinh (neurologist) có kinh nghiệm chữa MS.

Có những thuốc mới (immunomodulators) đắt tiền có thể cải thiện các cơn bịnh, làm tiến trình chậm lại.

Những “thuốc biến đổi bịnh" được chứng minh làm giảm các cơn cấp tính (thuốc chích) (Disease-modifying drugs that reduce the number of exacerbations )

interferon beta 1b (Betaseron, Extavia)(subcutaneous injection every other day)

glatiramer acetate (Copaxone)(subcutaneous injection 20mg every day; or 40mg 3 times/ a week)

2) Những “thuốc biến đổi bịnh" được chứng minh làm giảm các cơn cấp tính và làm chậm sự tiến triển của bịnh: (Disease-modifying drugs that have been shown to reduce exacerbations and slow the progression of MS):

interferon beta-1a (Avonex, Rebif) (Intramuscular injection, once a week)

peginterferon beta-1a (Plegridy)

teriflunomide (Aubagio)

fingolimod (Gilenya), thuốc uống

mitoxantrone (Novantrone) . Ức chế các tế bào T cells, B cells, macrophage tấn công chất myelin. Không dùng cho bịnh MS sơ phát/ban đầu. Cho trường hợp rất nặng. Thuốc cũng dùng trị ung thư (antineoplastic), có thể gây độc cho tim và gây ung thư máu. (intravenous every 3 months)

dimethyl fumarate (Tecfidera), thuốc uống

natalizumab (Tysabri) Thuốc này ngăn chặn các tế bào phòng thủ của hệ miễn nhiễm không cho chúng vào hệ thần kinh trung ương, vì thế chúng không tấn công các tế bào thần kinh. Tuy nhiên, chỉ dùng khi các thuốc khác thất bại. Thuốc này liên quan đến một số trường hợp nhiễm trùng não.(PML: progressive Multifocal Leukoencephalopathy). (Intravenous every 28 days).

Trong đó, có 3 thứ thuốc uống để giúp MS không bị tái lại (relapses):

1) Aubagio (teriflunomide) (Cảnh báo của FDA: cần theo dõi cơ năng gan và ảnh hưởng trên thai nhi đối với người có bầu, không được dùng cho người có bầu). Tác dụng phụ: tiêu chảy, ói, rụng tóc, cơ năng gan bất bình thường.

2) Gilenya (fingolimod): uống 1 viên / ngày. Phản ứng phụ: tiêu chảy, nhức đầu, đau lưng, ho, cơ năng gan ảnh hưởng; bịnh nhân phải chủng ngừa

3) Tecfidera: uống 2 lần/ ngày; cần theo dỏi các tế bào bạch cầu máu. Phản ứng phụ:đau bụng, tiêu chảy , ói. Một hoạt chât liên hệ có thể liên hệ đến một số trường hợp nhiễm trùng não.

Ocrelizumab (a humanized monoclonal antibody that depletes CD20+ B cells)

FDA phê duyệt một loại thuốc mới vào năm 2017 để điều trị MS tái phát. Thuốc này cũng là thuốc được chấp thuận đầu tiên để điều trị PPMS (Primary progressive MS/(Bệnh đa xơ thần kinh nguyên phát tiến triển). Một nhóm các nhà nghiên cứu thuốc này đã chứng minh ocrelizumab làm giảm đáng kể các lần tái phát một khi MS tái phát lại và làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng trong PPMS.

Có những biện pháp giúp cải thiện đời sống hàng ngày của bịnh nhân, do đó cần cọng tác với bs gia đình, chuyên viên vật lý trị liệu, bs tâm thần, etc.

Nói tóm lại, multiple fibrosis do hệ miễn nhiễm tấn công các sợi thần kinh và cả tế bào thần kinh. Bịnh bớt rồi tái lại từng cơn (relapses, exacerbations), triệu chứng đi từ bộ phận này qua bộ phận khác, trải dài trong thời gian.

Định bịnh căn cứ phần lớn trên bịnh sử các triệu chứng, cho nên bs cần nhiều thì giờ điều tra và theo dõi mới chẩn đoán chính xác, phân biệt với nhiều bịnh tương tự.

Cần bác sĩ chuyên khoa thần kinh (neurologist) có kinh nghiệm chữa MS. Có những thuốc mới (immunomodulators) đắt tiền có thể cải thiện các cơn bịnh, làm tiến trình chậm lại.

Chúc bịnh nhân may mắn.

References:

1)(http://www.webmd.com/multiple-sclerosis/guide/ms-treatment?page=2)

2) Brochure about disease modifying therapies for multiple sclerosis, by the National Multiple Sclerosis Society:

http://www.nationalmssociety.org/NationalMSSociety/media/MSNationalFiles/Brochures/Brochure-The-MS-Disease-Modifying-Medications.pdf

3)National Multiple Sclerosis Society: Important Research Progress in 2017: Stopping MS, Restoring What’s Been Lost, and Ending MS Forever

Bác sĩ Hồ văn Hiền

(Hien V. Ho, MD, FAAP)

Ngày 5 tháng 2 năm 2018

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.