Báo chí thế giới đã tốn biết bao giấy mực để viết về cuộc đời và sự nghiệp của Muhammad Ali từ khi võ sĩ quyền Anh này qua đời hôm Thứ Sáu 3/6 ở tuổi 74, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh Parkingson. Tất cả các bài báo đều đề cập tới cách mà Muhammad Ali thời sinh tiền, đã sử dụng tiếng tăm và ảnh hưởng đáng kể của mình để phụng sự hoà bình và đòi quyền bình đẳng.
Mục Đời Sống Văn Hoá của VOA do Hoài Hương phụ trách, tuần này xin được dành để điểm qua phản ứng trên các tờ báo lớn của Mỹ về sự ra đi của võ sĩ quyền Anh được tôn vinh là “người nổi tiếng nhất của mọi thời đại”.
Một đoá hồng đỏ duy nhất được đặt bên cạnh di ảnh cố võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali ở trung tâm mang tên ông ở thành phố Luoisville, bang Kentucky, sau khi tin loan nhanh về sự ra đi của nhà vô địch quyền Anh đầy cá tính, nổi danh có những cú đấm thần kỳ.
Thật khó tưởng tượng trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, trong một thế giới nối kết như bây giờ, lại có người nổi tiếng trên toàn cầu như Muhammad Ali mà không cần đến mạng internet, truyền thông xã hội hay hệ thống truyền hình dây cáp.
Giáo sĩ Yasir Qadhi, học giả Hồi giáo người Mỹ chia sẻ trên trang Facebook của ông:
“Không ai chối cãi Muhammad Ali là người Mỹ theo đạo Hồi nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay. Muhamad Ali đã đưa ra một hình ảnh tích cực về Hồi giáo, và giao truyền tên tuổi của nhà tiên tri Muhammad kính yêu của chúng ta tới mọi gia đình, khiến tên ngài được nhắc tới ở khắp mọi nơi. Đây quả là một cuộc sống đáng mơ ước.”
Your browser doesn’t support HTML5
Với một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể tráng kiện, một cá tính mà có nhà báo miêu tả là ‘bất khả kiềm hãm’, đi kèm với tài đối đáp nhanh nhẹn, Muhammad Ali trên đỉnh cao danh vọng, là môt ‘sức mạnh của thiên nhiên và một tác nhân của sự thay đổi’, một bài báo viết.
Muhammad Ali còn được nể phục vì luôn can đảm, thuỷ chung với nguyên tắc mà ông cho là đúng, bất chấp phải trả cái giá đắt nhất, như danh vọng, tiền tài và cả sự nghiệp đầy hứa hẹn của ông. Nhiều người đơn cử tính cả quyết, trước sau như một của ông khi thẳng thừng từ chối nhập ngũ để sang Việt Nam chiến đấu, viện lý do tôn giáo. Một quyết định khác mà nhiều người cho là can đảm là lúc ông cải đạo sang đạo Hồi.
Đến những người bất đồng quan điểm với Muhammad Ali cũng phải bái phục ý chí sắt đá, quyết không phản bội các giá trị cốt lõi của mình, và thái độ ‘không bao giờ bỏ cuộc’ của Muhammad Ali.
Ali trở thành thần tượng của vô số người thuộc thành phần bị thua thiệt trong xã hội, như các nhóm thiểu số. Tạp chí Time thuật lời vận động viên bóng rổ nổi tiếng Kareem Abdul Jabbar, nói về ảnh hưởng của Muhammad Ali đối với ông như sau:
“Tôi lên 13 tuổi khi gặp ông lần đầu trên Đại lộ Hollywood, ảnh hưởng của Muhammad Ali trong những năm có tính cách quyết định của đời tôi, vượt ra ngoài lĩnh vực thể thao. Ông đã hoàn toàn chinh phục thế giới quyền Anh, với lối đối đáp nhanh nhẹn và khả năng đánh bóng chính mình bằng những tuyên bố vô cùng tự tin, mà giới chỉ trích miêu tả là ‘tự khoe mình một cách không biết ngượng’.
Nhà văn Walter Mosley viết trên tạp chí The New York Times:
“Tôi còn nhớ cái ngày tôi bắt đầu biết tới tên Muhammad Ali. Mẹ tôi đang chở tôi đến trường sau khi Muhammd Ali đoạt giải vô địch hạng nặng quyền Anh từ tay Sonny Liston. Tại một góc phố, một người đàn ông băng qua đường ngay trước mũi xe của chúng tôi, ông đột nhiên quay lại, giơ nắm đấm lên cao và hô lớn:“I am the greatest!”. Lời hô to của người đàn ông làm tôi sợ hãi nhưng ngay cả trong lúc ấy, tôi cũng nhận ra niềm tự hào và cùng lúc nỗi đau của người đàn ông ấy. Phong trào ‘Tự Hào của Người Da Đen’ đã bùng phát, và chống đỡ phong trào đó là 4 chữ của Muhammad Ali: “I am the Greatest- Tôi là người vĩ đại nhất!”, tuyên bố của Muhammad Ali sau khi đánh bại vô địch Sonny Liston ở Florida vào ngày 25/2/1964.
Hai nhà báo của tờ The Wall St. Journal cho rằng Thế vận hội Olympic ngày 6 tháng 9 năm 1960, đã có ảnh hưởng ‘đổi đời’ đối với Muhammad Ali. Tại làng Thế vận, không có phân chia dựa trên giai cấp, tôn giáo hay màu da sắc tộc. Mọi người đều là công dân của thế giới và được đối xử như nhau. Trải nghiệm đó, theo các nhà báo Randy Roberts và Johnny Smith, đã thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan của Muhammad Ali.
3 năm sau, Muhammad Ali cải đạo sang đạo Hồi, và gia nhập tổ chức Nation of Islam, ông bắt đầu đặt nghi vấn về những ‘huyền thoại’ của nền dân chủ Mỹ.
Ông công khai đặt nghi vấn về chính sách hội nhập, bất bạo động, và về Ky tô giáo. Mặc dù nhiều người Mỹ da đen không đồng ý với các quan điểm tôn giáo của Muhammad Ali, nhiều người đồng cảm với các quan điểm của ông, đòi quyền tự quyết cho các thiểu số thấp cổ bé miệng. Người da đen ngưỡng mộ ông vì nhiều lý do: vì niềm tự hào sắc tộc của ông, về những phát biểu bộc trực, về lòng can đảm và tính cả quyết, độc lập của ông, luôn khẳng định các quyền tự do cá nhân.
Là một người phải chống chọi với bệnh Parkingson trong suốt 3 thập niên, Muhammad Ali trở thành tiếng nói của những người mắc chứng bệnh quái ác này. Diễn viên Michael J. Fox, một bệnh nhân Parkingson nổi tiếng khác, là người đã cùng Tiến sĩ Todd Sherer, sáng lập Quỹ Nghiên cứu bệnh Parkinson Michael J. Fox. Hai ông viết: “Có những ngôi sao, và có những chùm sao sáng. Muhammad Ali là chùm sao sáng nhất, hiếm khi được chứng kiến xẹt nhanh qua bầu trời. Cho nên thật là đặc biệt khi chúng ta nhớ lại sự nghiệp thể thao lẫy lừng không ai bì được của ông, sự nghiệp đó sáng chói nhưng ngắn hơn nhiều so với 3 thập niên ông phải chống chọi với bệnh Parkinson.”
Michael J. Fox nói tiếp: “Vô số người phải sống với bệnh Parkingson, trong đó có tôi. Chúng tôi coi Muhammad Ali như một tấm gương cam đảm, vô cùng nể phục thái độ an nhiên tự tại, không hề sợ hãi của nhà vô địch quyền Anh trước bước tiến không thể ngăn cản của bệnh Parkingson.”
Bệnh Parkinson là một chứng rối loạn thoái hóa của não bộ ảnh hưởng đến các cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân. Bệnh được đặt theo tên của giáo sư James Parkinson, người đã mô tả chi tiết căn bệnh này trong một luận án y khoa năm 1817. Căn bệnh vẫn chưa có thuốc chữa hữu hiệu này chỉ đứng sau bệnh Alzeihmer về tính phổ biến của nó.
Thông thường bệnh Parkingson có liên quan đến hiện tượng giảm sản xuất dopamine trong tế bào thần kinh. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể mất đi một số chức năng vận động.
Sau sự ra đi của Muhammad Ali, hai nhà sáng lập Quỹ Parkingson điểm qua những bước tiến trong cuộc nghiên cứu bệnh Parkingson, đồng thời vận động gây quỹ cho công trình nghiên cứu này. Bài viết của họ trích dẫn một tuyên bố nổi tiếng của Muhammad Ali:
“’Không thể’ không phải là một tuyên bố, mà là một thách thức. Chữa trị bệnh Parkingson từng được coi là một việc bất khả. Nhưng nghiên cứu đã bắt đầu lấy đà. Chúng tôi tin rằng mục tiêu chữa khỏi bệnh đang trong tầm tay với. Muhammad Ali đã cho chúng ta thấy thế nào là lòng can đảm của một nhà vô địch. Giờ là cơ hội để chúng ta vinh danh ông bằng cách hoàn tất cuộc đấu tranh mà ông không còn có thể tiếp tục nữa.”
Đến đây cũng đã kết thúc chương trình ‘Đời sống văn hóa’của đài VOA phát thanh từ thủ đô Washington. Hoài Hương xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tối thứ Bảy tuần tới, cũng trên làn sóng này của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.