2016 đánh dấu lần đầu tiên doanh số bán vũ khí toàn cầu tăng mạnh trong 5 năm do căng thẳng về địa chính trị, CNN đưa tin, dẫn một phúc trình do một viện nghiên cứu ở Thụy Điển công bố hôm 11/12.
Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tăng 1,9% so với năm trước đó, đạt 374,8 tỷ đôla.
SIPRI nói rằng sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán vũ khí “đã được dự báo trước” và xuất phát từ việc “triển khai các chương trình vũ khí mới của các quốc gia, các hoạt động quân sự đang diễn ra ở một số nơi, và những căng thẳng liên tục trong khu vực."
Các nhà sản xuất vũ khí ở Hàn Quốc, vốn cung cấp vũ khí ngày càng nhiều cho quân đội nước này, có tốc độ sản xuất tăng cao nhất trong số các nước phát triển.
Chi tiêu cho sản suất vũ khí tăng nhanh như thế cho thấy mối lo ngại về một cuộc xung đột tiềm ẩn với Triều Tiên. Doanh thu của các công ty sản xuất vũ khí Hàn Quốc đã tăng hơn 20% trong năm 2016, lên tới 8,4 tỷ đôla.
Các công ty Mỹ vẫn đứng đầu ngành công nghiệp vũ khí trong năm 2016, với doanh số bán hàng tăng 4%, đạt hơn 217 tỷ đôla. Hoa Kỳ chiến 58% tổng số doanh thu bán vũ khí toàn cầu.
Công ty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ- nhà sản xuất lớn nhất thế giới - có doanh số bán vũ khí tăng 11% trong năm 2016, nhờ bán máy bay chiến đấu F-35 và mua lại thương hiệu máy bay trực thăng Sikorsky.
Bà Aude Fleurant, Giám đốc Chương trình Chi tiêu Quân sự của Viện SIPRI, nói rằng tốc độ tăng doanh thu bán vũ khí của Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục. Tổng thống Trump muốn tăng ngân sách của Lầu Năm Góc và tân trang lại kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
Doanh số của các công ty Nga tăng 3,8%, đạt 26,6 tỷ đôla, tăng chậm hơn chút ít so với những năm gần đây.
Moscow đã tăng chi tiêu quốc phòng để tăng cường khả năng quân sự, nhưng việc mua sắm vũ khí đã chậm lại vì vấn đề tài chính.
Bà Fleurant lý giải rằng các tranh chấp khu vực, chẳng hạn như xung đột về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, là nguyên nhân chính làm gia tăng doanh số bán vũ khí.
Khu vực này là nơi có những tuyến hàng hải quan trọng, và nó có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực này.
Căng thẳng ở khu vực Biển Đông đã tăng từ năm 2014 khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp các hòn đảo, trang bị sân bay, bến cảng và hệ thống vũ khí. Trung Quốc cũng ra cảnh báo các tàu chiến và máy bay của Hoa Kỳ phải tránh xa khu vực này.
Bà Fleurant nói: "Các quốc gia như Việt Nam đã đặt mua tàu và máy bay tuần tra hàng hải, vì lo sợ sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải.”
The Bloomberg, trong chuyến công du đến châu Á và dự APEC tại Việt Nam vào tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã “chào hàng” tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ ngay trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bán vũ khí cho Việt Nam được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ khi đến Việt Nam.
Trên trang web chính thức, Tòa Bạch Ốc còn đăng lời “quảng cáo” của ông Trump với ông Phúc rằng “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ mua trang thiết bị từ Mỹ. Mỹ là nơi sản xuất các trang thiết bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, từ các loại máy bay cho đến bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên”.