Một phụ nữ ở Tây Tạng đã qua đời sau khi tự thiêu; đây là vụ tự thiêu để phản đối đầu tiên trong năm 2015 được báo cáo.
Tổ chức Free Tibet (Tây Tạng Tự Do) cho biết phụ nữ này tên Norchuk, ngoài 40 tuổi, tự thiêu hôm Thứ sáu gần thị xã Trotsuk trong quận Ngaba. Tổ chức này nói rằng nhà chức trách đem hài cốt của bà đi và hỏa táng trước khi gia đình làm đám tang cho bà.
Một ngày sau, một vị sư ở Ngaba thực hiện một vụ phản đối bằng cách đi bộ xuyên qua thị xã và hô to khẩu hiệu yêu cầu để đức Đạt Lai Lạt Ma trở về Tây Tạng.
Tháng 12 năm ngoái, 3 người Tây Tạng đã tự thiêu trong vòng 1 tuần lễ.
Các nguồn tin cho đài VOA biết là một trong 3 người này và một vị sư tên Kalsang Yeshi, vị này đã đi đến một trạm an ninh bên ngoài tu viện của ông trong tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đòi tự do cho Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma trở về trước khi ông tự châm lửa đốt mình.
Người ta tin ông rằng chết ngay tại chỗ, dù thi hài đã bị lực lượng an ninh Trung Quốc mang đi.
Việc cảnh sát từ chối cho thân nhân biết về tình trạng của ông hay trao trả thi hài ông để cử hành tang lễ theo nghi thức đã dẫn đến tình trạng căng thẳng trong vùng, nơi toàn bộ liên lạc qua điện thoại và Internet bị cắt.
Vụ tự thiêu của ông diễn ra tiếp theo sau vụ tự thiêu của ông Sangay Khar, 34 tuổi, cha của 2 người con vào ngày 16 tháng 12 và Tsepey Kyi, một phụ nữ 20 tuổi.
Nhà chức trách không bình luận về bất cứ vụ tự thiêu nào trong thời gian gần đây.
Kể từ năm 2009 đến nay đã có trên 130 vụ tự thiêu trong các vùng của người Tây Tạng ở Trung Quốc, nhưng các vụ tự thiêu xảy ra ít thường xuyên hơn trong mấy tháng gần đây, tiếp theo sau việc áp đặt hình phạt tiền và các hình phạt khác đối với các gia đình và những người khác có liên hệ gần gũi với những người tự thiêu.
Tháng trước, những người Tây Tạng lưu vong cho biết một tòa án trong vùng tây nam Trung Quốc đã tuyên các bản án tù 2 và 3 năm cho 3 người Tây Tạng với cáo buộc họ có liên quan trong một vụ tự thiêu hồi năm ngoái.
Trung Quốc nói rằng các vụ tự thiêu phản đối là hành động khủng bố.