Ít ngày sau khi giới chức chống tham nhũng Việt Nam thông báo đã khởi tố 111 bị can trong vụ bê bối được gọi là “đại án Việt Á”, có một luồng dư luận cho rằng vẫn không trông mong được gì vào những phiên tòa sắp tới khi căn cứ vào dấu hiệu mới nhất, đó là có tin cựu quan chức Chu Ngọc Anh không bị xử lý tội nhận hối lộ dù ông này đã nhận 200.000 đô la.
Hôm 16/8, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, nói với báo giới trong nước rằng liên quan đến “chùm án Việt Á” - theo cách dùng từ của ông Yên - các cơ quan có thẩm quyền “đã khởi tố 33 vụ án, trên 111 bị can với 6 tội danh”.
Các vụ án đã đến giai đoạn “có thể kết thúc điều tra, phấn đấu đến cuối năm kết thúc điều tra, truy tố xét xử cả ‘chùm án’ Việt Á này”, ông Yên được báo chí dẫn lời cho hay.
Hai ngày sau, hôm 18/8, các báo Việt Nam đưa tin rằng công an đã có kết luận về một vụ trong “chùm án” và đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 38 bị can, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Như VOA đã đưa tin, vụ Việt Á xảy ra trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam hồi năm 2020 và 2021.
Khi đó, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Phan Quốc Việt của công ty Việt Á đã hối lộ các quan chức 106 tỉ đồng để được lưu hành và nâng khống giá bộ xét nghiệm (kit test) COVID-19 do công ty sản xuất. Hành vi này khiến ngân sách nhà nước mất 432 tỉ đồng chạy vào túi doanh nghiệp này.
Cũng nhờ việc nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đi cùng với các khoản chi ngoài hợp đồng, công ty Việt Á đã thu lợi bất chính. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.
Trong số các quan chức nhận tiền của Việt Á có ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội.
Các báo trong nước đưa tin hôm 18/8 rằng cách đây 2 năm, ông Ngọc Anh - khi đó là bộ trưởng - đã nhận một ba lô “quà” của ông Phan Quốc Việt nhưng ngay khi đó không biết rằng bên trong đựng 200.000 đô la, mà một tháng sau mới biết khi ông Ngọc Anh mở ba lô ra.
Cơ quan tố tụng truy tố ông Ngọc Anh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Họ xác định rằng ông Ngọc Anh không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận gì với ông Việt về việc đưa nhận tiền. Cựu bộ trưởng cũng không gây khó khăn nhằm mục đích phải đưa tiền, vẫn theo cơ quan tố tụng.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng thật là mỉa mai về quyết định truy tố như vậy, theo quan sát của VOA.
Bác sỹ Võ Xuân Sơn, với trang cá nhân có gần 100.000 người theo dõi, nhấn mạnh với VOA rằng ai cũng biết phải có sự giúp sức của Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Y tế, Việt Á mới “hoành hành”, “tác động” làm cho công cuộc chống dịch của Việt Nam “đi sai đường rất nhiều”.
Với các hoạt động đưa, nhận hối lộ, Việt Á và các quan chức đã làm những việc mà bác sỹ Sơn gọi là “lũng đoạn chính sách” và “táng tận lương tâm”, gây hại đến “cuộc sống và tính mạng” của người dân. Ông bình luận thêm:
“Bây giờ lại bảo là nhận 200.000 đô la mà không phải là hối lộ thì thực sự tôi cũng không hiểu được. Cho nên cũng giống như phiên tòa chuyến bay giải cứu lần trước, chắc là cũng không có hy vọng nhiều vào việc sẽ xử lý các vấn đề này một cách rốt ráo”.
Dưới góc nhìn của mình, bác sỹ Sơn cho rằng một phiên tòa có kết quả tốt phải là đi đến xác định được - với các bằng chứng - ai là người chỉ đạo, đứng đầu những vụ này; đường đi của các kit test là như thế nào, có đúng là Việt Á sản xuất không; có tác động gì mà một loạt các giám đốc CDC, giám đốc sở y tế và các quan chức các tỉnh dính vào vụ này.
“Như thế, người dân mới thấy có sự rốt ráo trong việc xử lý những vụ việc này”, ông Sơn nói.
Phiên toà về vụ Việt Á cần khắc phục thiếu sót của phiên toà về vụ chuyến bay giải cứu, Facebooker Nguyên Tống, với hơn 19.000 người theo dõi đưa ra ý kiến trên trang cá nhân và đồng ý cho VOA trích dẫn.
Bản thân việc móc ngoặc, hối lộ để “sản xuất” kit test và nâng giá rất cao để chiếm đoạt tiền của dân trong dịch bệnh đã là trọng tội, ông Nguyên Tống nhận xét.
Bên cạnh đó, các “chính sách” buộc người dân và doanh nghiệp phải test định kỳ 3 ngày 1 lần, hay phải test mới được ra đường… đã gây ra “hậu quả cực kỳ nghiêm trọng” và “sâu rộng” đến toàn xã hội, “làm kiệt quệ nền kinh tế vốn đã èo uột, gián tiếp làm chết hàng ngàn sinh mạng người dân và làm phá sản hàng triệu doanh nghiệp”, vẫn lời ông Nguyên Tống.
Theo ông, những người phạm tội trong vụ Việt Á “đã táng tận lương tâm tới mức không còn nhân tính, hành vi hút máu người dân đã gần như bản năng rồi, khó mà nói chuyện răn đe hối cải gì nữa”.
Dưới con mắt của ông, “không thể có tiền nào khắc phục được hậu quả mà chúng gây nên” và ông bình luận thêm: “Nếu chỉ khắc phục bằng tiền và chỉ trong số tiền chúng chiếm đoạt mà không tính đến hậu quả và thiệt hại của những bên liên quan thì có lẽ phải bỏ tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì chẳng có gì để khắc phục cả mà đương nhiên được giảm án, xoá án?”
Từ những lập luận của mình, ông Nguyên Tống đề nghị: “Luật pháp và công lý nên một lần chứng tỏ sự nghiêm minh và tính răn đe với kẻ khác đi, đừng lấy lí do nhân văn nữa. Chúng ta đã ‘Nhân văn’ rất nhiều lần trong dịch rồi và hậu quả là lòng tin của dân đã bị xói mòn hết rồi, cán bộ hư hỏng gần hết rồi. Hãy một lần cứu vãn lòng tin của người dân vào luật pháp, vào công lý và vào chế độ đi, dù có thể là đã muộn”.
Facebooker này thậm chí bày tỏ hy vọng tới cả Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khi viết rằng “Mong chú Trọng và thuộc cấp lắng nghe và hãy để công lý làm phận sự của mình, đừng áp đặt ý chí chủ quan nhân văn của mình vào những vụ án tày đình thế này nữa”.