Luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) bị kết án 4 năm rưỡi tù giam hôm 28/1 về tội danh chống phá nhà nước, hơn ba năm sau khi ông bị bắt giam trong một chiến dịch đàn áp nhắm vào giới hành nghề luật.
Một tòa án ở Thiên Tân loan báo bản án trong một tuyên bố tải trên mạng, tuyên bố cho biết ông Vương đã bị tước các quyền chính trị trong 5 năm tới. Vợ ông Vương, bà Lý Văn Túc (Li Wenzu), nói với AP rằng bà lấy làm lo lắng về sức khỏe của chồng bà trong thời gian bị giam.
“Vương Toàn Chương chưa hề phạm tội, thế mà họ lại cáo buộc anh là phạm tội,” bà Lý nói, “Tôi nghĩ lý do là vì anh ấy không chịu thỏa hiệp với họ và sẽ không nhận bất cứ một tội nào.”
Bà Lý khẳng định: “Thế cho nên tôi mạnh mẽ phủ nhận kết quả đó.”
LS Vương là một thành viên của công ty luật Fengrui nổi tiếng vì những nỗ lực pháp lý để bảo vệ quyền lợi đất đai cho dân nghèo, đồng thời cũng đại diện cho những thành viên của Pháp Luân Công, nhóm thiền bị cấm ở Trung Quốc.
Các nhóm nhân quyền lên án bản án này. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International, Doriane Lau, mô tả bản án là “sự bất công trắng trợn.”
“Thật là vô nhân đạo khi Vương Toàn Chương bị trừng phạt vì đã đấu tranh cho nhân quyền một cách ôn hòa ở Trung Quốc. Phải thả ông ngay lập tức và vô điều kiện,” đại diện của tổ chức ân xá quốc tế nói trong một thông cáo.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói bản án tù đối với ông Vương là một “sự nhạo báng khái niệm nhà nước pháp quyền” của Đảng Cộng sản do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo.
“Cách đối xử của các nhà chức trách đối với ông Vương… là thước đo luật pháp Trung Quốc,” tổ chức nhân quyền này nói trong một thông cáo.
Ông Vương vị xét xử trong một vụ xử kín hồi tháng trước sau khi bị bắt giam mà không được tiếp cận luận sư, hay gia đình từ năm 2015, khi ông là một trong 200 nhà hoạt động về luật pháp bị bắt trong một vụ đàn áp. Không rõ liệu thời gian ông bị giam giữ vừa qua có được tính vào án tù vừa tuyên không.
Các vụ án xét xử các nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc thường kéo dài từ năm này qua năm khác trong khi các bị cáo bị giam trong những điều kiện khắc nghiệt, có thể đe dọa sức khỏe của họ. Có nhiều cáo buộc về những hành vi tra tấn thường xuyên, bị khước từ quyền có luật sư đại diện, gia đình, thân nhân bị cấm thăm nom.
Tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất của Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, qua đời vì bệnh ung thư gan vào năm 2017 trong khi đang thọ án tù 11 năm về tội “xúi giục chống phá nhà nước”. Ông Lưu tham gia viết Hiến chương 08, một văn kiện kêu gọi tự do hóa chính trị và kinh tế.
Vận động pháp lý phát triển mạnh mẽ trong một thời gian sau khi Trung Quốc mở cửa xã hội và kinh tế vào cuối những năm 1970, khi các luật sư bào chữa cho những người bị tước quyền và đóng góp cho một xã hội dân sự non trẻ.
Trong khi các luật sư này thường xuyên phải đối mặt với sự đe dọa và quấy rối từ chính quyền, thì vụ đàn áp năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt nghiêm trọng, trong đó thể hiện quyết tâm của ông Tập nhằm đè bẹp bất cứ thách thức tiềm năng nào đối với chính quyền của ông.
Cuộc đàn áp cho thấy rõ rằng các luật sư nhân quyền sẽ phải đối mặt với những tội danh mà trước đây chỉ dành cho những người mà họ bào chữa. Chiến dịch đàn áp có phối hợp khiến các luật sư bị tống giam, trục xuất khỏi đoàn luật sư, bị quản thúc tại gia hoặc đối mặt với những cáo buộc mơ hồ. Chiến dịch này được biết đến dưới tên là “cuộc đàn áp 709” diễn ra vào ngày 9 tháng 7, trong đó phần lớn các luật sư bị bắt.
Hầu hết các luật sư đã được trả tự do, mặc dù họ không còn được hành nghề hoặc tự do nói chuyện với giới truyền thông. Ông Vương được cho là một trong những người cuối cùng bị xét xử.
Vợ ông Vương đã bị các nhân viên an ninh chặn lối ra khỏi khu chung cư nơi bà cư ngụ, ngăn cản bà đến dự phiên tòa xét xử chồng bà.