Việc Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt đối với COVID-19 có thể dẫn đến một sự bùng nổ các ca bệnh và hơn một triệu ca tử vong cho đến hết năm 2023, theo dự báo mới của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) có trụ sở tại Mỹ.
Theo dự đoán của tổ chức này, các trường hợp ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng ngày 1 tháng 4, khi số ca tử vong lên tới 322.000. Giám đốc IHME Christopher Murray cho biết khoảng một phần ba dân số Trung Quốc sẽ bị nhiễm bệnh vào thời điểm đó.
Cơ quan y tế quốc gia của Trung Quốc không báo cáo bất cứ trường hợp tử vong COVID chính thức nào kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế COVID. Những ca tử vong chính thức cuối cùng được báo cáo vào ngày 3 tháng 12.
Tổng số ca tử vong do đại dịch là 5.235.
Trung Quốc đã dỡ bỏ một số hạn chế COVID nghiêm ngặt nhất thế giới vào tháng 12 sau các cuộc biểu tình công khai chưa từng có và hiện đang chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến, với lo ngại COVID có thể quét qua 1,4 tỉ dân của nước này trong kì nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng sau.
“Không ai nghĩ rằng họ sẽ theo đuổi chính sách zero-COVID lâu như vậy,” ông Murray cho biết hôm thứ Sáu khi các dự đoán của IHME được công bố trực tuyến.
Chính sách zero-COVID của Trung Quốc có thể đã hữu hiệu trong việc ngăn chặn các biến thể trước đó của virus, nhưng khả năng lây truyền cao của các biến thể Omicron khiến chính sách này không thể duy trì được.
Nhóm lập mô hình độc lập tại Đại học Washington ở Seattle, được chính phủ và các công ty tin cậy trong suốt đại dịch, đã thu thập dữ liệu và thông tin cấp tỉnh từ đợt bùng phát Omicron gần đây ở Hong Kong.
"Trung Quốc kể từ đợt bùng phát Vũ Hán ban đầu hầu như không báo cáo bất cứ trường hợp tử vong nào. Đó là lý do tại sao chúng tôi tìm đến Hong Kong để tìm hiểu tỉ lệ tử vong do nhiễm virus," ông Murray nói.
Về các dự báo của mình, IHME cũng sử dụng thông tin về tỉ lệ tiêm chủng do chính phủ Trung Quốc cung cấp cũng như các giả định về cách thức mà các tỉnh khác nhau sẽ phản ứng khi tỉ lệ lây nhiễm tăng lên.
Các chuyên gia khác dự đoán khoảng 60% dân số Trung Quốc cuối cùng sẽ bị nhiễm bệnh, với đỉnh điểm dự kiến vào tháng 1, ảnh hưởng nặng nề nhất đến những nhóm dân số dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người già và những người mắc bệnh nền.
Những lo ngại chính bao gồm số lượng lớn người dễ mắc bệnh ở Trung Quốc, việc sử dụng vaccine kém hữu hiệu hơn và tỉ lệ tiêm vaccine thấp ở những người từ 80 tuổi trở lên, những người có nguy cơ mắc bệnh nặng cao nhất.