Miến Điện đạt thỏa thuận hòa bình với phiến quân Kachin

Các nhà thương thuyết của chính phủ Miến Điện họp với đại diện của Tổ chức Độc lập Kachin, 30/5/13

Một hiệp định hòa bình tạm thời giữa chính phủ Miến Điện với phiến quân Kachin đã được tán dương là một sự đột phá sau những vụ giao tranh ác liệt hồi gần đây dọc theo biên giới giáp với Trung Quốc. Thỏa thuận này là một trong các thỏa thuận cuối cùng với các nhóm sắc tộc vũ trang, làm gia tăng mối hy vọng về một nề hòa bình trên cả nước.

Thỏa thuận hòa bình này đánh dấu lần đầu tiên phiến quân Kachin nhóm họp với chính phủ và quân đội Miến Điện trên phần đất do chính phủ kiểm soát.

Sau ba ngày họp tại Myitkyana, thủ phủ của tiểu bang Kachin, đôi bên đã đồng ý thương lượng tiếp cho một cuộc ngưng bắn và tái bố trí binh sĩ để ngăn chận những vụ đụng độ có thể xảy ra trong tương lai.

Họ cũng đồng ý là cánh chính trị của phe nổi dậy, Tổ chức Độc lập Kachin, sẽ để một toán thương thuyết gia ở lại Myitkyana để thảo luận thêm về các vấn đề có tính chất kỹ thuật.

Ông Min Zaw Oo, Giám đốc Chương trình thương thuyết và thực thi ngưng bắn của Trung tâm Hòa bình Miến Điện, đã tham dự các cuộc họp. Ông cho biết điều quan trọng nhất là giới hữu trách Miến Điện đã đồng ý thực hiện một tiến trình hòa bình vượt khỏi một cuộc ngưng bắn, một đòi hỏi then chốt của Tổ chức Độc lập Kachin. Ông nói:

"Các thỏa thuận ngưng bắn trong quá khứ không bao gồm giải pháp chính trị hoặc thậm chí không có sự thảo luận về chính trị. Nhưng lần này, chính phủ đã tuyên bố rằng cuộc thảo luận này không dừng lại ở chỗ ngưng bắn mà còn đưa tới một cuộc đối thoại chính trị, tiến tới một giải pháp chính trị."

Đôi bên cũng đồng ý tiếp tục những nỗ lực cứu trợ, phục hồi và tái định cư cho những người Kachin tản cư trong nước.
Hơn 100.000 dân làng người Kachin đã bị thất tán từ khi cuộc ngưng bắn kéo dài 17 năm bị phá vỡ hồi tháng 6 năm 2011. Chính phủ và phe nổi dậy đã đổ lỗi cho nhau về việc khơi mào cho cuộc giao tranh.

Quân đội Độc lập Kachin, cánh quân sự của Tổ chức Độc lập Kachin, là nhóm phiến quân chính cuối cùng đạt được hòa ước sơ bộ với chính phủ.

Từ khi lên nắm quyền cai trị từ tay chính quyền quân nhân vào năm 2001 tới nay, Tổng thống Thein Sein đã ký các thỏa thuận để chấm dứt giao tranh với nhiều đạo quân của các sắc dân thiểu số, tuy những thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ đụng độ qui mô nhỏ.

Tổ chức Độc lập Kachin, theo kế hoạch, sẽ tiến hành những cuộc đàm phán riêng với các nhà thương thuyết Miến Điện trước khi diễn ra những cuộc thương thuyết bao quát hơn với các nhóm nổi dậy khác để có được một cuộc ngưng bắn toàn quốc.

Tuy hòa ước tạm thời đã đạt được với phe Kachin, sự thiếu tin tưởng vẫn là một trở ngại lớn cho mục tiêu vừa kể.

Hội đồng Liên bang các Sắc dân đoàn kết (gọi tắt là UNFC) là một liên minh của 11 nhóm sắc tộc vũ trang, trong đó có Tổ chức Độc lập Kachin.

Hội đồng này đã họp hồi tháng hai tại Thái Lan với các nhà thương thuyết Miến Điện nhưng họ từ chối không tham gia cuộc thương thuyết ở Myitkyana, tuy một số thành viên của Hội đồng này có đến tham dự cuộc họp.

Tổng thư ký UNFC, ông Hkhun Okker nói rằng liên minh của ông cảm thấy các nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện vẫn không thể tin được:

"Đây chỉ là lời kêu gọi ngưng bắn thứ tư hoặc thứ 5 của chính phủ Thein Sein. Trước đó chúng tôi có lời kêu gọi ngưng bắn của Tướng Khin Nyunt. Trước đó nữa, chúng tôi có lời kêu gọi ngưng bắn của Tướng Ne Win. Chúng tôi có quá nhiều những lời kêu gọi ngưng bắn. Nhưng tất cả những thỏa thuận sau đó đã không được phía bên kia tôn trọng."

Ông Hkhun Okker đồng ý là thỏa thuận hòa bình Myitkyina là một dấu hiệu tích cực. Nhưng ông nói rằng chính phủ cần phải chấp hành một lệnh ngưng bắn toàn quốc, tuyên bố tổng ân xá cho các thủ lãnh phiến quân, và để cho các quan sát viên Tây phương đến theo dõi cuộc đàm phán hòa bình.

Ông Hkhun Okker nói thêm rằng các nhóm sắc tộc muốn có sự hiện diện của các cường quốc Tây phương để bảo đảm cho thỏa thuận đạt được và để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc, là nước đã phái đại diện tới dự cuộc đàm phán trong tuần này ở Miến Điện:

"Như quí vị đã biết, Liên hiệp quốc rất linh động và đôi khi khá yếu kém trong thực thi tại một số khu vực. Trong khi đó Trung Quốc lại rất thân với chính phủ Miến Điện. Họ có những quyền lợi quốc gia rất lớn bên trong Miến Điện. Vì vậy, chúng tôi không thể nói là họ trung lập."

Cuộc ngưng bắn trước đây đã bị phá vỡ ở Kachin vì những giao tranh gần một dự án xây đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ.

Những người chỉ trích nói rằng những hoạt động đầu tư của Trung Quốc tập trung vào lãnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng này làm cho căng thẳng gia tăng vì cả hai bên bên nào cũng muốn tranh giành những phần đất có nhiều tài nguyên.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Rangoon hôm thứ Sáu đưa một thông cáo hoan nghênh thỏa thuận giữa chính phủ Miến Điện và phiến quân Kachin. Họ nói rằng thỏa thuận là có tính chất xây dựng và đáng khích lệ.

Thông cáo cũng bày tỏ quan tâm sâu sắc đối với sự an toàn và phúc lợi của những người Kachin bị thất tán và hối thúc tất cả các bên bảo đảm cho các hoạt động cứu trợ được thực hiện một cách thuận lợi.