Sau 2 ngày thảo luận, khoảng 200 chuyên viên về nước, bảo vệ môi trường và tài chánh kết luận là không có đầy đủ sự hợp tác về việc phát triển nguồn tài nguyên của sông Mê Kong.
Những chuyên viên này thúc đẩy các quốc gia dọc theo sông Mê Kong tìm một phương cách cân bằng để khai thác những lợi ích kinh tế của con sông như những nhà máy thủy điện mà không phương hại nhiều đến xã hội và môi trường.
Ông Ian Matthews làm việc cho ngân hàng ANZ ở Singapore. Ông nói là những tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường không được đáp ứng đối với những dự án xây đập trên sông Mê Kong khi ngân hàng quốc tế không có liên hệ gì đến những dự án này.
Ông Ian Matthews đưa ra nhận xét: “Đối với một quốc gia hay chính phủ, việc có được sự tài trợ cho dự án thủy điện là một điều mong muốn rõ rệt bởi vì đây là một nguồn tài nguyên càng ngày càng có giá trị đối với những quốc gia như Việt Nam, Lào và Kampuchea. Nếu ngân hàng quốc tế không tài trợ và nếu những quốc gia này không đệ đơn xin tài trợ những dự án này theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, theo tiêu chuẩn của IFC thì những ngân hàng khác sẽ đến với những tiêu chuẩn thấp hơn. Điều này dẫn đến sự xuống cấp của môi trường nhiều hơn và dẫn đến sự thiệt hại cho những quốc gia khác có quyền lợi liên hệ.”
Trung Quốc là quốc gia duy nhất có những đập thủy điện trên sông Mê Kong và cùng với Kampuchea, Lào và Thái Lan, Trung Quốc dự trù xây dựng thêm những đập thủy điện nữa.
Cho đến nay, Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin liên hệ đến những đập thủy điện của nước này cho những quốc gia láng giềng ở hạ nguồn.
Và khi sông Mê Kong gây ra ngập lụt vào năm 2008 và năm nay mực nước của sông xuống thấp nhất trong vòng 50 năm qua, các quốc gia nằm dọc sông Mê Kong đổ trách nhiệm cho Trung Quốc.
Tuy nhiên Ủy ban sông Mê Kong, một tổ chức phối hợp sự hợp tác trên con sông này lại nói nạn hạn hán là thủ phạm chính.
Ủy ban sông Mê Kong cũng nói là những con đập trên sông Mê Kong có những ảnh hưởng trái ngược lên sự di trú của các loài cá và dòng chảy của những trầm tích.
Bà Phạm Thị Thanh Hằng, điều phối viên của chương trình phát triển lưu vực của Ủy ban sông Mê Kong, cho biết là Trung Quốc đã cho nhiều thông tin về những con đập của nước này nhưng vẫn cần thêm nhiều thông tin hơn nữa.
Bà Thanh Hằng nói: “Chúng tôi có lợi về việc chia sẻ thông tin, chia sẻ những ranh giới được sử dụng với Trung Quốc và so sánh với những kết quả mẫu. Tuy nhiên chúng tôi sẽ có lợi nhiều hơn nữa nếu những thông tin rộng lớn hơn được chia sẻ. Chẳng hạn như thông tin về hoạt động của những con đập để những quốc gia ở hạ nguồn có thể hoạch định và làm việc với một hiểu biết rõ rệt về những cơ hội và rủi ro.”
Thành viên của Ủy ban sông Mê Kong gồm có Kampuchea, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Thủ tướng các quốc gia này sẽ gặp nhau vào ngày thứ Hai tới để thảo luận lần đầu tiên về những nỗ lực nhằm tăng tiến sự minh bạch và hợp tác về sông Mê Kong.
Hai đối tác trên thượng nguồn là Miến Điện và Trung Quốc cũng sẽ tham dự cuộc thảo luận.
Các chuyên viên dự cuộc họp thảo luận về những nguồn tài nguyên của sông Mê Kong thúc đẩy các quốc gia dọc theo con sông của vùng Đông Nam Á này tăng tiến sự hợp tác trong việc phát triển các nhà máy thủy điện. Các đại biểu cũng yêu cầu Trung Quốc chia sẻ nhiều tin tức hơn về việc xây dựng những con đập trên sông Mê Kong. Thông tín viên Daniel Schearf của Đài VOA tường trình từ hội nghị Hua Hin.