Năm máy bay Beechcraft T-6C Texan II hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất hôm 18/11, lần đầu tiên sau Chiến tranh Việt Nam nhà nước Việt Nam cộng sản nhận một lô máy bay huấn luyện quân sự do đối thủ cũ là Mỹ sản xuất, các trang Army Recognition, Main Battle Tank và Saigon Aviation đưa tin.
“Các nhân chứng đã quan sát những chiếc máy bay mang phù hiệu của Không quân Việt Nam tại sân bay dân sự này trước khi chuyển sang căn cứ không quân theo lịch trình”, trang Army Recognition tường thuật.
Trang này dẫn các dữ liệu theo dõi chuyến bay của Flightradar24 chỉ ra rằng chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng giữa trưa ngày 18/11 sau chuyến bay kéo dài hai giờ từ Sân bay Don Mueang ở Bangkok, Thái Lan, nơi các máy bay quá cảnh.
Trước đó, trang Airliner dẫn dữ liệu bay Flightradar24 cho hay sau khi khởi hành từ bang Kansas, Mỹ, các máy bay này đã quá cảnh ở các quốc gia châu Âu như Scotland, Anh, Pháp, các nước Trung Đông, sau đó đến Ấn Độ, Thái Lan để tiếp nhiên liệu.
Trang YouTube Saigon Aviation cho biết 5 chiếc T-6 đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 18/11 có các số đăng bạ là N2786B, N2789B, N2770B, N2811B, N2850B.
Your browser doesn’t support HTML5
Các bản tin cho hay những chiếc máy bay này, một phần của thỏa thuận với Hoa Kỳ ký vào năm 2021, sẽ hiện đại hóa lực lượng không quân Việt Nam và tăng cường đào tạo phi công và giám sát hàng hải của nước này. Được trang bị hệ thống tiên tiến, các máy bay T-6 này sẽ tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tăng cường phòng thủ quốc gia.
“Các máy bay vừa tiếp nhận sẽ được đưa về Sân bay Quân sự Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, do Trung đoàn 920 điều hành. Chúng được sử dụng cho cả vai trò huấn luyện phi công và giám sát hàng hải”, theo trang Army Recognition.
“Các phi công của Lực lượng Phòng không-Không quân Việt Nam thường xuyên bay qua Đảo Phú Lâm do Trung Quốc kiểm soát ở quần đảo Hoàng Sa [nhưng theo đường thẳng] và không thể bay trong thời tiết khắc nghiệt hoặc vào ban đêm. Những vấn đề này cho thấy những hạn chế của lực lượng không quân trên Biển Đông và nhu cầu về loại máy bay T-6 này cũng như đào tạo phi công chuyên sâu”, trang Australian Defence dẫn lời Tiến sĩ Stephen Burgess, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hàng không Hoa Kỳ, Đại học Hàng không, tại Căn cứ Không quân Maxwell, bang Alabama, Mỹ, phân tích nhu cầu của Việt Nam đối với loại máy bay hiện đại của Mỹ.
Your browser doesn’t support HTML5
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo Bộ Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ và công ty Textron Aviation Defense vào tháng 8/2021 ký hợp đồng đầu tiên cung cấp máy bay T-6C cho Việt Nam. Giá trị của của đơn hàng thứ nhất này là 43,84 triệu USD.
Hồi tháng 10/2023, Textron Aviation Defense ký thêm hợp đồng thứ hai trị giá 31 triệu USD để cung cấp thêm 3 máy bay huấn luyện T-6C Texan-2 cho Không quân Việt Nam.
Dự kiến đến năm 2027, Textron sẽ hoàn tất việc giao tất cả 12 máy bay cho Việt Nam, theo Army Recognition.
Đợt bàn giao lịch sử hôm 18/11 nêu bật sự chuyển đổi của Việt Nam từ việc phụ thuộc vào các thiết bị do Nga sản xuất sang hướng đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc phòng, theo trang Main Battle Tank.
Your browser doesn’t support HTML5