Quan hệ kinh doanh giữa Trung Quốc và châu Âu nẩy sinh một số mâu thuẫn khi Bắc Kinh tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của họ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài hứa hẹn mở rộng tự do mậu dịch.
Trong chuyến thăm Berlin ngày 31/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi nỗ lực chung nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại và tạo thuận lợi cho đầu tư. Cùng ngày, một cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc bày tỏ quan ngại về phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài và đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tăng trưởng đầu tư của các công ty châu Âu.
Chuyến công du của ông Lý, bao gồm chuyến thăm trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, diễn ra khi nhu cầu chính trị đang tăng để đảm bảo sự tương hỗ trong giao thương với Trung Quốc. Một số quốc gia châu Âu yêu cầu EU đưa ra luật lệ cho phép họ kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc và loại bỏ các khoản đầu tư không rõ ràng.
Ông Mats Harborn, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, nói: "Cuộc thảo luận này tự nó cho thấy có rất nhiều điều thất vọng ở châu Âu vì thiếu sự tương hỗ. Chúng ta cởi mở cho các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khi chúng ta sang Trung Quốc đầu tư lại là một con đường chông gai, vì vậy điều này đang gây ra những tranh cãi chính trị ở châu Âu.”
Với các điều kiện chính trị như vậy, chương trình nghị sự của ông Lý có vẻ như rất tham vọng trừ khi Trung Quốc chịu nhượng bộ lớn. Ông Lý đang cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo Châu Âu công nhận qui chế "kinh tế thị trường" cho Trung Quốc, và nới lỏng các trừng phạt về việc bán phá giá hàng hoá Trung Quốc. Ông cũng muốn EU cấp giấy chứng nhận hội đủ tiêu chuẩn cho máy bay C919, một loại máy bay chở khách lớn của Trung Quốc.
Các công ty châu Âu cho biết trong năm qua họ làm ăn khá tốt ở Trung Quốc. Ông Harborn cho biết điều này một phần nhờ vào gói kích thích của chính phủ vào năm 2016 và cũng có những câu hỏi đặt ra cho giả định tăng trưởng cao sẽ tiếp tục trong những tháng tới.
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế của Viện Capital Economics, cho biết nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi vào năm 2016 do có nhiều khoản tín dụng được các tổ chức tài chính bơm vào thị trường. Nhưng điều này không thể tiếp tục khi chính phủ đang hạn chế các khoản cho vay rủi ro cao.
Một cuộc khảo sát độ tín nhiệm kinh doanh do Phòng Thương mại châu Âu tiến hành cho thấy hơn 60% các công ty thành viên đánh giá nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc là mối lo ngại hàng đầu. Đây là một thay đổi đáng kể từ những năm qua khi trọng tâm của các khiếu kiện là do việc phân biệt đối xử đối xử với các công ty nước ngoài và kiểm soát doanh nghiệp bằng các qui định hành chính.
Tuy nhiên, một số thành viên của Phòng Thương mại vẫn tiếp tục lo lắng về sự phân biệt đối xử, nói rằng các cơ quan thực thi về môi trường vẫn còn gây nhiều khó khăn hơn với các công ty nước ngoài so với các công ty trong nước.
Một mối lo lắng mới cho các công ty nước ngoài là khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc, điều này sẽ tăng lên theo thời gian khi Bắc Kinh thực hiện kế hoạch 2025 của Trung Quốc để thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương sử dụng công nghệ thế hệ mới.
Ông Denis Depoux, đồng giám đốc khu vực Châu Á công ty Roland Berger nói: "Các công ty châu Âu ở Trung Quốc thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc đang ngày càng sáng tạo. Không hẳn đây là một thách thức, mà điều này nên được xem là một cơ hội."