Trong mảng tiểu thuyết lịch sử Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam chiếm một vị trí khá quan trọng. Có thể nói đó là cuộc chiến tranh thử nghiệm cuối cùng của việc chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do và cộng sản. Cái kết thúc lịch sử khá nghịch lý là khối cọng sản đã sụp đổ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, nhưng khối tự do – với đại diện chính thức là Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – lại thất bại trong cuộc chiến tranh này. Vì có nghịch lý nên đề tài chiến tranh Việt Nam vẫn còn nằm trên bàn thảo luận của sử gia, và vẫn còn là đề tài “nóng” của tiểu thuyết và điện ảnh dù chúng ta đã được đọc không ít truyện và xem một số phim lấy đề tài này.
Về phía những người cọng sản Việt Nam, những kẻ được coi là “chiến thắng”, trong một thập niên sau khi cuộc chiến chấm dứt đã chỉ đạo sản xuất khá nhiều cuốn tiểu thuyết sử thi về “cuộc chiến tranh thần thánh” này, minh họa chủ nghĩa anh hùng bằng chủ trương văn học hiện thực xã hội với đường lối cứng nhắc nhà văn không đựơc phép phá rào ta/địch. Nhưng những cuốn tiểu thuyết minh họa này nhanh chóng bị người đọc lãng quên. Sau đó không lâu, từ khi chính sách Đổi Mới bắt đầu, đã xuất hiện những cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến tranh vừa qua với giọng điệu và quan điểm được điều chỉnh, tuy không còn “hồng và chuyên” như thời trước, nhưng thực tại chiến tranh vẫn chưa được phơi lộ rõ nét, những câu hỏi về ý nghĩa cuộc chiến này vẫn chưa được đẩy xa tới lằn mức có thể.
Về phía người viết và người đọc Mỹ, vì hiện nay nuớc Mỹ đã và đang can dự vào Iraq và Afghanistan, cho nên người ta có nhu cầu “nhìn lại” – nhìn lại chứ không là “xét lại” vì người ta muốn biết sự thật chứ không phải để rút ra những bài học như lối suy nghĩ trước đây. Có thể nói đây là một quan điểm đúng hướng vì “rút ra bài học” từ một cuộc chiến tranh là điều vô nghĩa, vô dụng. Ác quỷ chiến tranh muôn hình muôn dạng, trườn mình trong lịch sử và móng vuốt chụp xuống con người. Sự chiến thắng một cuộc chiến tranh chỉ có ý nghĩa khi chiến thắng đó thay đổi được hướng đi lịch sử đẩy nhân loại, đất nước tiến gần tới sự hoàn thiện. Sau 35 năm cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt - người ta đã có đủ khoảng cách để nhìn lại – công chúng cũng như những nhà văn Mỹ muốn có giải đáp cho câu hỏi: Sự thực đã diễn ra như thế nào? Chính vì lý do đơn giản này mà quyển tiểu thuyết Matterhorn/Tiền Đồn Trên Đỉnh Đồi của Karl Marlantes từ khi ra mắt đã được đón đọc và đánh giá cao vì cuốn sách chứa đầy ắp sự thực.
Tác giả quyển truyện là một cựu chiến binh, cấp bậc trung-úy của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, đã được gắn nhiều huy chương danh dự của binh chủng này. Vào những năm cuối thập niên 60s khi cuộc chiến tranh Việt Nam lên cao điểm, cậu học sinh vừa tốt nghiệp trung học trường Seaside High School tình nguyện vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến vì cậu nghĩ “thời nay nếu là con trai và lại là một lực sĩ, là phải vào lính ba năm.” Thế nhưng, trước khi vào quân đội Karl Marlantes lại nhân được học bổng Rhodes để vào học những trường đại học nổi danh như đại học Yale chẳng hạn. Nhưng Karl Marlantes giữ nguyên quyết định ở lại quân đội.
Mùa hè năm 1967, cấp chỉ huy binh chủng ấn tượng về thành quả học vấn của Karl, ký giấy cho phép Karl được tạm giải ngũ hai năm để vào đại học Oxford. Về nước đi học nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó lại quyết đinh trở lại đội ngũ vì không thể thản nhiên bàng quan ngồi học trong khi đồng đội của anh chiến đấu gian khổ chết chóc. Theo Karl khi đó chỉ có hai con đường: hoặc đào ngũ trốn qua Thụy Điển, hoặc trở lại chiến đấu. Sau những ngày lang thang bụi đời ở Morocco, Karl quần áo tóc tai hôi hám bờm xờm cuối cùng đến một căn cứ hải quân trình diện, tự giới thiệu với cấp chỉ huy ở đó: “Tôi là thiếu-úy Marlantes” và xin phương tiện trở lại đơn vị.
Karl Marlantes trở lại đơn vị cũ vào mùa thu năm 1968 trước sự nhạo báng riễu cợt của đồng đội, cho rằng anh là kẻ ngu xuẩn. Sau đó Karl Marlantes được xung vào đoàn Sea Knights trực thăng vận Chinook-46 và phục vụ ở đó hơn một năm nữa. Thoát chết nhiều lần, được về phục vụ ở Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến, ở đó hơn một năm nữa rồi quay về Oxford đi học trở lại, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Thương Mại. Karl Marlante đã để ra hơn 30 năm viết quyển tiểu thuyết Matterhorn, bản thảo cả thảy 1600 trang, nhưng khi xuất bản quyển sách thu lại còn 600 trang.
Tựa đề quyển truyện Matterhorn là tên thực của một tiền đồn nằm ở phía Tây Bắc Nam Việt Nam, sát biên giới Lào thuộc Vùng Chiến Thuật Tây Nguyên, tương tự như Đồi 937 hay Đồi Hamberger nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Vào cuối thập niên 60s quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam leo thang chiến tranh với chiến thuật Lùng và Diệt địch. Là sĩ quan chỉ huy của đoàn trực thăng Sea Knights nên Karl Marlantes có những ký ức khá chính xác về những cuộc hành quân yểm trợ, tiếp liệu, và truy lùng địch của đơn vị này nên những mô tả trong sách có mức độ khả tín cao, gần sự thực.
Truyện bắt đầu vào năm 1969, không bao lâu sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mâu Thân. Nhân vật chính trong truyện là Waino Mellas, thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi, đầu quân vì những động cơ thúc đẩy không rõ nét như lòng ái quốc, ý thức hệ, tham vọng tuổi trẻ. Đơn vị chính của Mellas thuộc Lữ đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến dưới sự chỉ huy của một vị đại tá đầy tham vọng muốn được thăng lên cấp tướng nhanh chóng, chủ trương giao trọng trách cho những sĩ quan trẻ đầy tham vọng, nhiệt tình dù chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu.
Khốn nỗi ông đại tá thư lại này lại ưa tổ chức tiệc tùng rượu chè ở bộ chỉ huy, và điều khiển các cuộc hành quân từ hậu cứ bằng máy vô tuyến. Ông ta cắt cử Mellas làm đại đội trưởng đại đội Bravo, giao nhiệm vụ trong vòng 90 ngày phải xây dựng hoàn tất tiền đồn Matterhorn nằm trên một đỉnh đồi cao sát biên giới Lào để kiểm soát đường thẩm nhập và tiếp liệu của quân đội Cọng sản Miền Bắc. Tiền đồn này phải xây dựng thật kiên cố, có thể chịu được những trận pháo cường tập của địch với hệ thống phòng thủ và hầm hố vững chắc. Đại đội Bravo là một đơn vị nổi tiếng của Lữ đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến nên họ đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách tốt đẹp.
Nhưng sự việc đầy nghịch lý xảy ra: hoàn thành tiền đồn Matterhorn chưa được bao lâu, Đại đội Bravo được lệnh rút khỏi tiền đồn này – bỏ trống Matterhorn mặc cho địch chiếm đóng - hành quân xuống hướng Nam để yểm trợ cho một cuộc hành quân của một đơn vị bạn. Cuộc hành quân này thật khủng khiếp vì họ phải ngày đêm băng qua rừng rậm không nhìn thấy bóng mặt trời, không được tiếp liệu thực phẩm thuốc men, mìn bẫy địch quân rình rập phục kích, binh sĩ kiệt sức và bị muỗi mòng mắc những chứng bệnh hiểm nghèo như thổ tả và sốt rét. Mellas chứng kiến cảnh một binh sĩ bị hổ vồ chết, một binh sĩ khác chết vì bệnh sốt rét đau màng óc, đồng đội phải khiêng xác bạn bằng đòn gánh làm bằng cành cây. Đại đội Bravo đói khát rách nát bệnh tật tơi tả này cuối cùng cũng hoàn thành cuộc hành quân rút lui sau nhiều ngày tuyệt vọng, khi tới được một hậu cứ tiếp liệu được lệnh cho phép dưỡng quân vài ngày trước khi nhận nhiệm vụ mới.
Nhưng nghịch lý không phải đến đây là hết: đại đội Bravo được lệnh tức khắc phải hành quân tái chiếm tiền đồn Matterhorn nay đã bị quân đội Miền Bắc chiếm giữ. Cuộc họp để thảo luận kế hoạch tái chiếm Matterhorn diễn ra hơn ba giờ đồng hồ nhưng mọi người đi đến kết luận là không có một kế hoạch hành động nào là hoàn hảo. “Thế nào cũng có người bị giết chết.” Tuy những người lích của đại đội Bravo biết rất rõ đường đi nước bước trong tiền đồn này, nhưng chính vì chính họ đã xây dựng nó quá kiên cố nên việc xung kích vào tiền đồn này chắc chắn sẽ có tổn thất cao vì quân địch chắc chắn đã chuẩn bị những bãi mìn, những dàn pháo, quân số đông gấp bội để đón chờ Bravo, với hy vọng giăng bẫy để tiêu diệt trọn đại đội Thủy Quân Luc Chiến tinh nhuệ này.
Tác giả mô tả trân tái chiếm Matterhorn rất sinh động, khủng khiếp, với những tổn thất nặng nề của cả hai bên. Chính qua các cuộc hành quân này Karl Marlantes cho thấy sự biểu lộ rõ nét của can đảm và hèn nhát, bạo tợn và nhút nhát, niềm tin và nghi ngờ, hận thù và thương yêu, thông minh và ngu xuẩn. Nhiều khi những tính chất đối nghịch này có mặt trong một con người, nhất là trong con người nhân vật chính Mellas. Những người lính của đại đội Bravo không chỉ phải chiến thắng những trở ngại của thiên nhiên, chiến thắng quân địch, mà họ còn phải chiến thắng nhau, nhất là chiến thắng bản thân, vượt qua những rào cản về chủng tộc đen trắng, về cấp bậc, tình cảm yêu ghét thương yêu thù hận.
Đặc biệt trong quyển Matterhorn Karl Malantes đã không ngần ngại viết ra sự thực phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ, giữa những sĩ quan chỉ huy cao cấp tài giỏi đưa ra những quyết định sang suốt và can đảm cũng không thiếu những cấp chỉ huy quân sự bất tài chạy theo danh vọng, và những quyết định quân sự nhiều khi bị chính trị chi phối đưa đến những hậu quả thảm khốc cho người lính tác chiến. Nhưng giữa những người lính vào sinh ra tử với nhau cuối cùng họ đã vượt qua hết thảy những chướng ngại để tồn tại trong tình đồng đội thương yêu nhau chân thành.
Quyển sách cho người đọc thấy được chiến tranh là vô nghĩa. Và đó là tâm trạng của nhân vật chính thiếu úy Mellas ở cuối quyển truyện sau khi cảm nhận được sự phi lý của sứ mênh mình đã thực hiện, tác giả viết: “Giờ đây anh ta chẳng đòi hỏi bất kỳ cái gì nữa, và anh ta cũng cóc cần thắc mắc về việc mình là một kẻ can đảm hay một tên hèn nhát, tốt hay xấu. Tất cả những ý niệm đó chỉ là một phần của một chuyện riễu cợt anh ta vừa khám phá ra.”
Tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam Matterhorn của Karl Malantes là quyển sách kể lại cuộc chiến tranh này một cách trung thực và chính xác nhất từ trước tới nay, phơi trần sự vô nghĩa của chiến tranh một cách đầy thuyết phục bằng kinh nghiệm sống trải và lối kể chuyện bình thản khách quan của tác giả, một cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã tham dự cuộc chiến này trong những năm cuối thập niên 60s.