Trăng tròn có thể gây ra các trận động đất lớn, theo một cuộc nghiên cứu mới.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo cho biết các trận động đất lớn có phần chắc xảy ra trong lúc thủy triều cao. (Thủy triều dâng cao hai lần một ngày.) Trong lúc triều cường, đại dương bị hút bởi trọng lực của mặt trăng, và lúc diễn ra hiện tượng trăng tròn hay trăng mới, hai lần mỗi tháng, thủy triều đặc biệt dâng cao, nhất là khi mặt trăng, mặt trời, và trái đất thẳng hàng.
Điều này, theo các nhà khoa học, có thể tăng sức ép lên những đường phay địa chất, gây ra động đất.
“Khả năng một vết nứt nhỏ mở rộng ra thành một sự rạn vỡ khổng lồ gia tăng cùng với mức độ thủy triều gia tăng”, các nhà nghiên cứu viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Geoscience của Anh.
Dù lý thuyết này không phải là điều mới mẻ, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện một sự liên kết thống kê giữa mặt trăng và các trận động đất.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trận động đất Sumatra 2004 cũng như trận động đất lớn ở Nhật Bản năm 2011 đều diễn ra khi thủy triều lên cao. Các nhà nghiên cứu cho biết 9 trong số 12 trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận trùng hợp với hiện tượng trăng tròn hoặc trăng mới.
Những phát hiện này có thể giúp dự báo động đất, đặc biệt là ở những nơi như Nhật Bản, nơi thường xuyên bị động đất.
Nhà địa chấn học John Vidale thuộc Đại học Washington, người không tham gia cuộc nghiên cứu vừa kể, cho rằng “Kết quả này, nếu được xác nhận, sẽ rất thú vị đối với các nhà khoa học.”