Nhà máy Vật liệu Cao cấp Lynas tại bang Pahang ở trung bộ Malaysia, theo dự kiến sẽ đem lại thêm ổn định cho việc cung ứng những thành phần chủ chốt dùng trong ngành điện tử, ngành công nghiệp xanh và những hệ thống vũ khí tối tân. Đây là lần đầu tiên một nhà máy sản xuất đất hiếm được xây dựng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc trong 3 thập niên qua. Hiện nay Trung Quốc sản xuất gần 90% các vật liệu đất hiếm cung cấp cho thế giới.
Ông Nick Curtis, Chủ tịch ban quản trị công ty Lynas nói rằng quyết định của Trung Quốc hồi năm ngoái, tạm thời đình chỉ những chuyến gửi đất hiếm sang Nhật Bản vì một cuộc tranh chấp chính trị đã củng cố thêm tầm quan trọng của việc tạo ra nguồn cung ứng khác.
Ông Curtis nói: “Các nhà sản xuất thiết bị công nghệ cao mới ở ngoài Trung Quốc rất lo ngại về việc có một nguồn đất hiếm ổn định lâu dài. Nhà máy tinh luyện đất hiếm ở Malaysia sẽ đem lại cho họ cơ hội có được nguồn cung ổn định dài hạn về đất hiếm, không phải là của Trung Quốc.”
Theo dự định, nhà máy tại Malaysia sẽ bắt đầu hoạt động năm nay, khi đi vào hoạt động đầy đủ nhà máy sẽ có thể đáp ứng tới 30% nhu cầu đất hiếm trên thế giới bên ngoài Trung Quốc.
Đối với Malaysia thì nhà máy này sẽ tạo ra trên 350 công ăn việc làm trong ngành kỹ thuật và có thể khuyến khích các công ty công nghệ cao khởi đầu các hoạt động mới gần nơi cung cấp các vật liệu cần thiết.
Ông Curtis nói rằng tình trạng kinh tế của Malaysia, có sẵn đội ngũ lao động có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng, tình hình thị trường và tiền lương tương đối thấp giúp cho nhà máy tiết kiệm được trong tiến trình chế biến vật liệu đất hiếm khai thác tại Australia.
Một số tổ chức bảo vệ môi trường chống đối công tác xây cất nhà máy vì những lo ngại về rủi ro sức khỏe cho công chúng. Công tác chế biến đất hiếm sản sinh ra chất thải phóng xạ.
Năm 1992 một nhà máy của công ty hóa chất Mitsubishi tại Malaysia đã phải đóng cửa sau khi có những xác nhận rằng nhà máy đó là nguyên nhân khiến cư dân gần nhà máy sinh ra những trẻ khuyết tật và bệnh bạch cầu.
Ông S.M Mohamed Idris, Chủ tịch tổ chức Sahabat Alam Malaysia, tiếng Anh là Friends of the Earth Malaysia. Ông nói nhà máy Lynas là một trường hợp khác trong đó một đại công ty đa quốc lợi dụng sự lỏng lẻo trong các qui định và việc thực thi tại đang các nước đang phát triển trên thế giới:
Ông Idris nói: “Chúng tôi cực lực chống đối hạt nhân và tác động của hạt nhân đối với con người. Chúng tôi cũng tự hỏi tại sao Australia không xúc tiến việc biến chế đất hiếm tại ngay đất nước họ mà lại đưa sang Malaysia.”
Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA sẽ cử một toán chuyên gia tới lượng định xem công ty có tuân theo đúng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế hay không. Bộ Thương mại Malaysia từ chối tất cả các yêu cầu phỏng vấn cho tới khi họ duyệt xét báo cáo của IAEA.
Ông Curtis nói rằng công ty Lynas hoan nghênh việc xét duyệt của IAEA và bác bỏ các khẳng định cho rằng công ty tìm cách tránh né các qui định về môi trường.
Ông Curtis cho biết: “Các qui định về môi trường tại Malaysia nằm trong số các qui định chặt chẽ nhất trên thế giới. Quả thật chúng tôi đến Malaysia vì chúng tôi có thể nhận thấy những kinh nghiệm, kinh nghiệm bất hạnh về đất hiếm của họ hồi thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 thực sự đã đề ra một tập hợp các qui định về bất cứ một nguy cơ nào có thể xảy ra có liên quan tới ảnh hưởng của môi trường trong ngành công nghiệp này.”
Ông Curtis nói thêm rằng các luật lệ nghiêm ngặt về môi trường giúp bảo đảm cho nhà máy hoạt động và có thu về lợi nhận về lâu về dài. Một số biện pháp bảo vệ môi trường đang được sử dụng tại nhà máy gồm các bộ phận khử khí đốt, nhà máy xử lý nước thải và một cơ sở chứa chất thải đặc có mức phóng xạ thấp.
Một nhà máy tinh luyện đất hiếm đang được xây cất tại Malaysia có thể chấm dứt tình trạng gần như độc quyền của Trung Quốc về ngành khai thác chất liệu cần thiết cho việc sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao. Nhưng một số tổ chức bảo vệ môi trường phản đối việc xây dựng nhà máy vừa kể vì cho rằng nhà máy sẽ sản sinh ra những khối lượng lớn chất thải phóng xạ và đề ra nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe công chúng. Từ Jakarta, Thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.