Mặc niệm nạn nhân lụt: Quốc hội bị trách vì đặt đại biểu trước dân

Quốc hội Việt Nam mặc niệm một đại biểu quốc hội và các nạn nhân lũ lụt ở miền trung; 20/10/2020

Kể từ rạng sáng 7/10 đến nay, lũ lụt ở miền trung Việt Nam làm thiệt mạng ít nhất 132 người, trong đó có hàng chục quân nhân, và gây ra thiệt hại vô cùng to lớn về vật chất.

Hôm 20/10, quốc hội của đất nước khai mạc kỳ họp với “một phút mặc niệm dành cho đại biểu Nguyễn Văn Man” và bày tỏ “chia sẻ với những mất mát, hi sinh của chiến sĩ, đồng bào”, nhiều báo trong nước đưa tin.

Theo quan sát của VOA, thông tin kể trên dẫn đến nhiều lời chỉ trích của người dân Việt trên mạng xã hội về việc quốc hội dường như đặt ưu tiên cho đại biểu quốc hội so với người dân khi cơ quan lập pháp này tưởng niệm các nạn nhân của lũ lụt.

Đưa tin về hoạt động tưởng niệm, báo Dân Sinh chạy hàng tít “Quốc hội mặc niệm đại biểu Quốc hội, thiếu tướng Nguyễn Văn Man”, trong khi nhan đề bài báo của Tài Nguyên và Môi trường viết “Quốc hội tưởng nhớ Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Đại biểu Quốc hội Khoá XIV tỉnh Quảng Bình”.

Báo Bảo Vệ Pháp Luật đặt tựa cho bài viết của mình là “Quốc hội tưởng niệm, chia sẻ mất mát, hy sinh của chiến sĩ, đồng bào miền Trung”.

... lũ lụt kéo dài hơn 10 ngày nay, song các đại hội đảng chưa mặc niệm các nạn nhân lũ lụt, cho thấy họ đang đi theo quán tính, không có những phát ngôn, ứng xử phù hợp với tình hình, gây nhiều thắc mắc, bất bình trong nhân dân ...
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng


Mặc dù vậy, nội dung bản tin của tờ báo cho hay là vào sáng 20/10, quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm “để tưởng niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, đại biểu Quốc hội khóa 14 … cùng 12 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi thi hành nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ” ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, “cũng như những mất mát, đau thương của đồng bào miền trung bị tử nạn trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua”.

Báo điện tử VNExpress có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam chỉ viết ngắn gọn: “Trước phiên khai mạc sáng nay 20/10, Quốc hội dành một phút mặc niệm đại biểu Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, cùng các quân nhân đã hi sinh khi đi cứu hộ, đồng bào tử nạn do mưa lũ”.

Tiếp đến, VNExpress trích lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu rằng cơ quan lập pháp này gửi "lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn".

Trước những dòng tít và nội dung tin như vậy, không ít người nêu lên thắc mắc trên mạng xã hội vì sao nhiều người dân và binh sĩ chết vì nạn lụt, song quốc hội lại đặt một “ông tướng là đại biểu quốc hội” lên vị trí hàng đầu để tưởng niệm.

Một số người bình luận rằng cách làm như vậy cho thấy quốc hội không thật sự là những đại biểu của nhân dân.

Nhà hoạt động Trần Bang đặt ra một số câu hỏi trên Facebook cá nhân có gần 30.000 người theo dõi: “Quốc hội chỉ của đại biểu quốc hội? Quốc hội chỉ mặc niệm đại biểu quốc hội chết? Còn hơn trăm người dân Việt Nam đổ mồ hôi xương máu đóng thuế nuôi quốc hội chết vì mưa lũ thì quốc hội lờ?”

Một nhà hoạt động khác, ông Nguyễn Lân Thắng, với hơn 150.000 người theo dõi qua Facebook, cũng nêu câu hỏi: “Tại sao quốc hội do dân bầu ra mà chỉ mặc niệm cho một vị tướng, không mặc niệm hàng bao nhiêu người dân đã chết thảm vì lũ lụt?”

5 tỉnh miền trung Việt Nam bị thiệt hại nặng vì lũ lụt, tháng 10/2020

Nói với VOA từ vùng lũ, ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng đây không phải là lần đầu quốc hội không thể hiện đúng vai trò là đại diện của nhân dân trước những vấn đề nan giải, bao gồm cả bão lũ, môi trường.

Nhận xét rộng hơn về chính giới và bộ máy tuyên truyền Việt Nam, ông Thắng đưa ra quan điểm với VOA:

“Giới lãnh đạo Việt Nam có nhiều người khôn ngoan, tỉnh táo, nhưng bộ máy tuyên truyền không nhanh nhạy hay tự chủ. Chẳng hạn như lũ lụt kéo dài hơn 10 ngày nay, song các đại hội đảng chưa mặc niệm các nạn nhân lũ lụt, cho thấy họ đang đi theo quán tính, không có những phát ngôn, ứng xử phù hợp với tình hình, gây nhiều thắc mắc, bất bình trong nhân dân về giới quan chức”.

... các cơ quan chức năng của nhà nước chuyên về bão lũ, chuyên về thảm họa thiên tai, đặc biệt là dự trữ quốc gia, người dân không thấy có các động thái hay hành động quyết liệt ... Chỉ thấy là người dân tự mang thuyền, mang xuồng, mang mì tôm đi trợ giúp nhau, vì vậy, người dân đang rất oán trách.
Ông Nguyễn Lân Thắng


Hiện đang tham gia các hoạt động cứu trợ do các cá nhân tự thực hiện, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cũng chỉ ra một điều nữa mà người dân bức xúc, đó là vai trò của chính quyền trong việc ứng phó với lũ lụt. Ông nói:

“Đã 10 ngày chứ không phải là ít, nhưng nhìn vào các cơ quan chức năng của nhà nước chuyên về bão lũ, chuyên về thảm họa thiên tai, đặc biệt là dự trữ quốc gia, người dân không thấy có các động thái hay hành động quyết liệt để tung ra các nguồn tài lực từ ngân sách nhà nước để dự trữ và đối phó với thảm họa trong lúc như thế này. Chỉ thấy là người dân tự mang thuyền, mang xuồng, mang mì tôm đi trợ giúp nhau, vì vậy, người dân đang rất oán trách”.

Liên quan đến các hoạt động cứu trợ từ phía người dân với nhau, ca sĩ Thủy Tiên loan báo trên mạng xã hội rằng cuộc quyên góp tiền cứu trợ do cô kêu gọi dành cho các vùng lũ lụt đến nay đã thu được hơn 100 tỉ đồng.

Trong những ngày này, nữ ca sĩ nổi tiếng Việt Nam đã và đang đến các vùng ngập ở Huế, Quảng Bình… để trực tiếp phát tiền, hàng cứu trợ.

Ở một số diễn đàn trên mạng, trong đó có Góc nhìn Báo chí - Công dân, nhiều người chỉ ra thực tế là Thủy Tiên và những người có ảnh hưởng khác nhanh chóng huy động được hơn 100 tỉ đồng để cứu trợ, trong khi các hội đoàn do nhà nước đứng sau chỉ đang thu được những khoản tiền nhỏ hơn.

Các ý kiến trên mạng bình luận rằng điều đó cho thấy người dân tin là những người như ca sĩ Thủy Tiên sẽ phân phối tiền, hàng cứu trợ hiệu quả hơn các tổ chức của nhà nước.

Về phía nhà nước, theo tin trên VTV và Tuổi Trẻ, Thủ tướng Việt Nam chỉ thị rằng “trước mắt tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và an sinh xã hội”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu lấy ngay gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ ở 5 tỉnh nêu trên.

Tuy nhiên, nhiều người sử dụng mạng xã hội tỏ ý hoài nghi về các gói cứu trợ được tuyên bố ở trên. Họ nhắc đến gói cứu trợ 62.000 tỉ đồng mà chính phủ Việt Nam tung ra hồi tháng 4 để giảm bớt khó khăn của người dân do đại dịch Covid-19, nhưng trên thực tế, nhiều người dân phản ánh với VOA và các cơ quan báo chí khác là họ “không với tới”.