Ngay cả giữa lúc vui mừng vì được trao tặng giải Nobel hòa bình, nhà hoạt động môi trường Wangari Maathai cũng vẫn đặt nước Kenya thân yêu của bà lên trên hết.
Một thời gian ngắn sau khi nhận vinh dự này năm 2004, bà Maathai đã nói với đài VOA về ý nghĩa của thắng lợi này đối với những nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng tại nước bà.
Bà nói: “Sự công nhận này, trong nhiều cách, ủng hộ cho chiến dịch và đem nó lên hàng đầu để các nhà lãnh đạo Kenya có thể thật sự ý thức được rằng bảo vệ rừng tại nước này là một vấn đề sinh tử.”
Công trình bà theo đuổi suốt cả đời là bảo vệ rừng của Kenya trước những kẻ chiếm đất thuộc giới đặc quyền đặc lợi chính trị. bà Maathai cũng lên tiếng bênh vực quyền của nữ giới vào lúc mà hầu hết phụ nữ Kenya rất ít khi ra khỏi nhà để làm việc ngoài xã hội.
Bà Maathai là một nhân vật quan trọng trong cuộc tranh đấu cho dân chủ vào những thập niên 1980 và 1990. Trong cuộc tranh đấu của bà, bà thường bị sách nhiễu, đánh đập, tấn công bằng hơi cay và bị cầm tù.
Nhưng bà cũng đạt được danh hiệu đầu tiên trong nhiều lãnh vực: phụ nữ đầu tiên tại Đông và Trung Phi có bằng Tiến Sĩ; người phụ nữ đầu tiên làm trưởng một phân khoa của trường đại học Nairobi; người phụ nữ đầu tiên tại Đông và Trung Phi được bổ nhiệm làm giáo sư đại học; người phụ nữ Châu Phi và cũng là nhà hoạt động bảo vệ môi trường đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa Bình.
Chính tinh thần kiên trì này mà đồng nghiệp của bà, ông Edward Wageni, nhớ nhất. Ông Wageni là Phó giám đốc chấp hành phong trào Vành Đai Xanh, một tổ chức bảo vệ môi trường, bênh vực dân quyền và nữ quyền mà bà Maathai đã thành lập năm 1977.
Ông nói: “Chúng ta đã mất đi một người có lòng dũng cảm theo đuổi niềm tin, một người tập trung vào một vấn đề, một người thật sự không chú ý tới những người sẽ ca ngợi bà.”
Bà Wangari Muta Maathai sinh tại miền trung Kenya năm 1940. Và lúc còn rất hiếm trẻ gái được đi học, bà tốt nghiệp trường Nữ Trung Học Loreto năm 1959 và tiếp tục lên đại học hoàn tất bằng cử nhân khoa sinh học tại trường Đại Học St. Scholastica ( hiện nay là Benedictine College) ở Atchison, bang Kansas. Sau đó bà lấy bằng Phó Tiến Sĩ tại Trường đại học Pittsburgh và bằng Tiến Sĩ tại Trường đại học Nairobi.
Trong thập niên 1970, bà Maathai đã trở thành nhà hoạt động trong nhiều tổ chức môi trường và nhân đạo tại Nairobi, tham khảo rộng rãi với các phụ nữ tại những khu vực nông thôn. Chính vào thời gian đó mà niềm say mê trồng cây của bà bám rễ. Kể từ đó, khi tạo ra phong trào Vành Đai Xanh, đã có hơn 47 triệu cây được trồng tại Kenya.
Công trình của bà cũng liên quan tới các chiến dịch giáo dục và liên kết việc xuống cấp môi trường với tình trạng quản trị tồi tệ.
Sau những cuộc tranh đấu cho dân chủ bà Maathai được bầu làm một thành viên quốc hội đại diện đơn vị Tetu trong cuộc bầu cử năm 2002 và được bổ nhiệm làm phó bộ trưởng môi trường. Hai năm sau sau đó bà được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình. Kể từ đó, bà Maathai đã tham gia nhiều nỗ lực quốc tế, trong đó có chiến dịch của Liên Hiệp Quốc trồng một tỉ cây, nằm trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh tất cả các vinh dự, các giải thưởng, các bằng danh dự mà bà đã nhận được, đồng nghiệp và bè bạn của bà nói rằng bà Wangari Maathai có đôi chân bám chắc trên mặt đất.
Đồng nghiệp của bà trong Phong Trào Vành Đai Xanh, ông Edward Wageni nói:
“Bà hết sức gắn bó với người dân, một người có khả năng giao tiếp với những người thấp nhất trong xã hội nhưng đồng thời có thể nói với những người ở bậc thang cao nhất. Vì thế bà có khả năng nối kết hai giai tầng quốc tế này, và ngồi dưới gốc cây với các phụ nữ để thảo luận các vấn đề ở mức độ đó.”
Bác sĩ Catherine Lore, là một bác sĩ người Uganda có phòng mạch ở gần văn phòng của Phong Trào Vành Đai Xanh tại Nairobi. Bà nói người láng giềng của bà là người thẳng thắn, rất thực tế và đầy nhiệt huyết dễ gây cảm hứng cho người khác.
Bác sĩ Lore nói: ”Tôi nhớ lại ngày bà nhận Giải Nobel. Tôi đã chạy tới đây với cành nguyệt quế cắm vào chiếc bình cao đặt trước cửa ở đó. Hôm nay, tôi khóc vì vui mừng, bởi vì hôm nay chúng ta mừng một phụ nữ Châu Phi thật sự thể hiện được ý chí.”
Bà Wangali Maathai từ trần tại Nairobi hôm 25 tháng Chín khi chữa trị bệnh ung thư, thọ 71 tuổi. Mà Maathai để lại ba người con và một cháu.
Nhà hoạt động bảo vệ môi trường và cũng là nhân vật được trao tặng giải Nobel hòa bình, bà Wangari Maathai, đã qua đời ở thủ đô Kenya tối Chủ Nhật sau một thời gian dài bị bệnh ung thư.