Lạm phát ở các nước châu Âu sử dụng đồng euro đã lần nữa tăng lên mức kỷ lục vào tháng 7, có nguyên nhân chủ yếu là giá năng lượng cao vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng nền kinh tế vẫn có được tăng trưởng trong quý II tốt hơn dự kiến, mặc dù chỉ tăng không đáng kể.
Lạm phát hàng năm ở 19 nước trong khu vực đồng euro đã lên 8,9% trong tháng 7, cao hơn mức tăng 8,6% trong tháng 6, theo số liệu được cơ quan thống kê liên hiệp châu Âu công bố hôm 29/7.
Trong nhiều tháng, lạm phát đã ở mức cao nhất kể từ năm 1997, khi dữ liệu đồng euro bắt đầu được lưu giữ, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu lần đầu tiên sau 11 năm tăng lãi suất vào tuần trước và ra chỉ dấu sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 9.
Giá năng lượng tăng vọt 39,7 % trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoài, mức tăng này chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng của tháng trước do lo ngại về nguồn cung khí đốt. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 9,8%, nhanh hơn mức tăng được công bố hồi tháng trước do chi phí vận chuyển cao hơn, tình trạng thiếu hụt và sự bất trắc trong nguồn cung của Ukraine.
“Một chỉ số lạm phát phũ phàng nữa trong tháng 7”, Bert Colijn, kinh tế gia cấp cao phụ trách khu vực đồng euro của ngân hàng ING nhận xét, và nói thêm rằng ‘không có dấu hiệu mọi việc sắp qua’.
Trong khi đó, nền kinh tế của khu vực đồng euro trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, đã tăng trưởng 0,7% so với quý trước, bất chấp sự trì trệ ở Đức, nước đóng vai trò là động cơ kinh tế truyền thống của châu Âu. Pháp đã tránh được lo ngại suy thoái với mức tăng trưởng khiêm tốn 0,5%, còn Ý và Tây Ban Nha vượt mong đợi với tăng trưởng lần lượt là 1% và 1,1%.
Các nhà kinh tế chỉ ra sự phục hồi của du lịch sau đại dịch COVID-19, với các sân bay và hãng hàng không đông khách vào mùa hè song lại thiếu nhân viên, khiến việc đi lại bị hỗn loạn.
Với lạm phát tiếp tục tăng cao hơn dự kiến, các nhà phân tích kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ là tin tốt cuối cùng, với lạm phát, lãi suất tăng và khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ dự kiến sẽ đẩy khu vực này vào suy thoái vào cuối năm nay.
Rủi ro của châu Âu chủ yếu là do họ phụ thuộc vào năng lượng Nga, với việc Moscow giảm lưu lượng khí đốt tự nhiên cung cấp cho các nhà máy, tạo ra điện và sưởi ấm cho các hộ gia đình vào mùa đông.
“Với nguồn cung khí đốt của khu vực hiện đã giảm và lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian, khu vực đồng euro có khả năng rơi vào suy thoái”, Michael Tran, chuyên gia kinh tế của Capital Economics, cho biết trong một phân tích tuần này.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bắt đầu tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, họ chậm hơn các ngân hàng trung ương khác như Fed của Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh do lo ngại tác động quá lớn của giá năng lượng tăng vọt do tác động của cuộc chiến.