Tháng trước Việt Nam tăng lương tối thiểu (1). Tháng này, Nam Hàn cũng thông báo quyết định tăng lương tối thiểu cho năm tới (2). Lạm phát trên phạm vi toàn cầu là lý do gần như quốc gia nào cũng phải điều chỉnh mức lương tối thiểu để dân có thể tồn tại.
Mức lương tối thiểu của Việt Nam được quyết định nâng theo lên theo vùng sau hai năm cố tình trì hoãn để đạt các mục tiêu về tăng trưởng theo kế hoạch. Còn mức lương tối thiểu mà Nam Hàn vừa nâng lên được tính theo định kỳ là năm và tính theo giờ.
Tại Việt Nam, tỉ lệ lương tối thiểu được nâng theo vùng sau hai năm khoảng 6%, bởi phụ thuộc vào vùng nên dao động trong khoảng từ 160.000 đồng/tháng đến 260.000 đồng/tháng. Nếu quy ra Mỹ kim thì tăng khoảng 6,8 USD/tháng đến 11.1 USD/tháng.
Ở Nam Hàn, tỉ lệ lương tối thiểu được nâng theo giờ sẽ tăng 5% so với năm nay, cụ thể sẽ là 9.620 Won/giờ. Nếu quy ra Mỹ kim thì sau khi tăng theo mức đã được ấn định, nếu quy ra Mỹ kim, lương tối thiểu ở Nam Hàn sẽ là 7,4 USD/giờ.
Dựa trên tỉ lệ tăng lương tối thiểu vừa được điều chỉnh, thu nhập trung bình/tháng của công nhân (những người làm việc theo hợp đồng – đối tượng được tăng lương tối thiểu) tại Việt Nam sẽ dao động trong khoảng từ 138,7 USD/tháng đến 199,8 USD/tháng.
Còn ở Nam Hàn, sau khi mức lương tối thiểu tính theo giờ được áp dụng, thu nhập trung bình/tháng của tất cả những người đi làm và được trả lương ít nhất sẽ phải là 1.549 USD/tháng, cao hơn công nhân Việt Nam từ 7 lần đến 11 lần.
Nói cách khác, cũng phải đi làm nhưng thu nhập của công nhân Việt Nam thua xa người lao động Nam Hàn. Khi thu nhập thấp hơn từ 7 lần đến 11 lần thì mức sống tất nhiên phải kém hơn và cứ nhìn vào thực tế thì sẽ thấy công nhân Việt Nam thảm thế nào!
“Lương tối thiểu không đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu” là vấn nạn kinh niên ở Cộng hòa XHCN Việt Nam dẫu Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi có “đội tiên phong của giai cấp công nhân” nắm giữ độc quyền quản trị, điều hành xứ sở.
Ai cũng biết, cũng thấy công nhân đói, khổ thế nào và mức độ đói, khổ của giai cấp công nhân càng ngày càng trầm trọng hơn nhưng “công nhân vẫn không đủ sống” (3) tiếp tục được công nhận là “bài toán không có lời giải” (4) rồi... thôi!
Dẫu lương tối thiểu luôn được điều chỉnh hàng năm theo cam kết nhưng tại Nam Hàn, năm nào chính phủ và đảng cầm quyền (tổ chức chính trị nắm giữ ưu thế đa số trong chính phủ và quốc hội) cũng bị các tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động và những tổ chức đại diện cho doanh giới chỉ trích kịch liệt. Năm nào chính phủ và đảng cầm quyền cũng phải phân trần và cố gắng chứng tỏ thiện chí tiếp nhận - điều chỉnh chỉ trích qua quyết định nâng lương tối thiểu lần sau.
Còn ở Việt Nam cho dù “toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân” và sử dụng Hiến pháp để hiến định, trao “toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân” này cho đảng CSVN - tổ chức chính trị tự nhận là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” - song các tổ chức đại diện người lao động, cũng như cho doanh giới chỉ dám xin những thứ như “sớm ấn định lương tối thiểu theo giờ”, hay “tạo điều kiện cho công nhân có thể thương lượng về lương” nhằm giúp công nhân có thể... “đủ sống bằng lương” (5)...
***
Từ thập niên này sang thập niên khác, những cá nhân đại diện cho “đội tiên phong của giai cấp công nhân” vẫn giữ luận điệu theo kiểu khuyến dụ phải biết, phải thực thi “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ” (6).
Cho dù có đảng cầm quyền, nhà nước, quốc hội, chính phủ cùng thuộc “đội tiên phong của giai cấp công nhân” nhưng từ thập niên này sang thập niên khác, giai cấp công nhân Việt Nam chưa bao giờ có quyền thắc mắc về lương, mức sống vì sao lại khác biệt với thiên hạ đến mức “một trời, một vực” như vậy. Ngay cả so sánh với thiên hạ cũng là quyền do “đội tiên phong của giai cấp công nhân” nắm giữ và thường được “đội tiên phong của giai cấp công nhân” sử dụng khi cần giải thích tại sao thuế cao, phí nặng!
Tuy đảng cầm quyền, nhà nước, quốc hội, chính phủ ở Việt Nam cùng thuộc “đội tiên phong của giai cấp công nhân” nhưng “đội tiên phong của giai cấp công nhân” nắm giữ độc quyền quản trị - điều hành quốc gia bao nhiêu năm thì là bấy nhiêu năm công nhân Việt Nam phải sống dưới mức tối thiểu và chẳng riêng công nhân, toàn bộ công dân Việt Nam cùng bị buộc phải thừa nhận đó là sự... “ưu việt” của việc xây dựng CNXH để “đội tiên phong của giai cấp công nhân” tiếp tục lãnh đạo quốc gia, dẫn dắt dân tộc.
Những ý tưởng mới nhất, được xem là sáng sủa nhất liên quan tới lương, dính dáng đến cải thiện mức sống do các đại diện thuộc “đội tiên phong của giai cấp công nhân” liên tục đề cập trong vài tuần gần đây là công nhân nói riêng, dân chúng Việt Nam nói chung nên hướng đến Nam Hàn, đến Nhật – những nơi mà nếu họ chịu làm hàng hóa để “đội tiên phong của giai cấp công nhân” thực hiện kế hoạch “xuất khẩu”, họ sẽ kiếm được... “ngàn đô” nuôi thân và nuôi gia đình (7).
Chuyện “đội tiên phong của giai cấp công nhân” chọn con đường biến công nhân thành hàng hóa để... “xuất khẩu”, xác định việc đi làm thuê ở những nơi như Nam Hàn là “cơ hội rộng mở” (8) cho cả cá nhân lẫn quốc gia, dân tộc quả là... “vi diệu”!
Chú thích
(3) https://vneconomy.vn/luong-toi-thieu-tang-cong-nhan-van-khong-du-song.htm
(5) https://vneconomy.vn/luong-toi-thieu-tang-cong-nhan-van-khong-du-song.htm
(8) http://www.nguoiduatin.vn/gan-50-000-lao-dong-viet-nam-dang-lam-viec-tai-han-quoc-a563111.html