Từ đầu năm 2020, Việt Nam chính thức tăng nặng hình thức xử phạt những tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép trong lúc lái xe lên mức hàng chục triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong vòng 2 năm. Đây là giải pháp mạnh tay mà các cơ quan thi hành luật pháp Việt Nam hy vọng sẽ hạn chế được phần nào vấn đề tai nạn giao thông vốn đang cướp đi tới hơn 20.000 mạng sống mỗi năm trong cả nước.
Đối với những người thích nhậu và cả các chủ quán nhậu thì đây thực sự là điều không mấy vui vẻ. Tuy thế, đa phần mọi người ủng hộ quyết định này vì thực tế tình trạng rượu bia tràn lan tại Việt Nam ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội và hạnh phúc gia đình.
Anh Đoàn Trần Sơn, từng có nhiều năm làm việc tại một doanh nghiệp Nhà nước, chia sẻ với VOA: “Nói thật việc nhậu nhẹt hay lấy ly rượu ra tiếp khách là thói quen đã có từ hàng trăm năm tại Việt Nam rồi. Bản thân tôi khi còn làm trong doanh nghiệp nhà nước thường xuyên cũng phải tham gia các cuộc nhậu nhẹt, tiếp khách vì họ gọi đó là xây dựng quan hệ công việc. Nhưng tôi thấy việc nhậu nhẹt, rượu bia tràn lan không chỉ gây ra những nguy cơ lớn trong vấn đề an toàn giao thông mà thực tế cũng tạo ra những nguy cơ nhãn tiền về mặt sức khỏe của mỗi người. Vì thế theo tôi việc xử phạt thật nặng những người lái xe mà uống rượu, bia là rất cần thiết cho an toàn xã hội.”
Còn anh Đặng Minh Hòa, một chủ doanh nghiệp, cho biết do công việc phải quan hệ với nhiều cấp chính quyền và quản lý khác nhau nên anh thường phải tham gia các cuộc vui và sử dụng rượu, bia thường xuyên nhưng từ khi có quy định xử phạt lên tới hàng chục triệu đồng và tước giấy phép lái xe hai năm đối với những trường hợp uống rượu lái xe, anh đã nghiêm chỉnh chấp hành.
Anh chia sẻ: “Thực tế mình thấy việc này cũng cần thiết. Giờ đây sau mỗi lần uống rượu bia thì mình gọi taxi về thôi. Thế là nhanh nhất mà cũng đỡ phải lo lắng gì.”
Việc xử phạt nặng đối với các tài xế uống rượu lái xe đã được áp dụng từ rất lâu ở các nước phát triển. Ví dụ tại Mỹ, người lái xe với nồng độ cồn vượt mức cho phép ngoài việc bị xử phạt tài chính rất nặng, còn bị tước giấy phép lái xe, phải đi học lại luật giao thông, lao động công ích và mất hoàn toàn những quyền lợi quan trọng như quyền bảo lãnh vợ, con, cha, mẹ sang đoàn tụ, thậm chí là có thể bị bỏ tù nếu tái phạm…
Tại Việt Nam, mặc dầu nhiều người ủng hộ chủ trương phạt nặng để giảm rượu bia, không ít người nghi ngờ tính minh bạch của lực lượng cảnh sát giao thông khi áp dụng luật mới trên thực tế.
Ngay từ khi quy định mới có hiệu lực, nhiều tài xế đã tự mua cho mình máy đo nồng độ cồn. Mục đích là để… tự đo sau khi sử dụng rượu, bia xem có ở dưới mức cho phép hay không; và cũng là để đối chiếu với máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông trong trường hợp bị xử phạt.
Anh Đoàn Trần Sơn nói về thực tế này: “Thật ra từ lâu nay thì cảnh sát giao thông ở Việt Nam đã quá tai tiếng rồi, nên người dân người ta không tin nữa. Người ta sợ biết đâu các ông ấy lại lợi dụng quy định mới để kiếm chác thêm tiền của những người bị xử phạt; hay thậm chí là các ông ấy thay đổi máy, tăng chỉ số nồng độ cồn lên thì ai mà kiểm soát được.”
Trong trường hợp ấy, anh Sơn kết luận, “mục tiêu hướng tới một xã hội an toàn và văn minh hơn có khi lại phản tác dụng.”
Chị Nguyễn Thu Thủy, một người Việt mới sang Mỹ định cư được 5 năm, chia sẻ về thực tế gia đình chị từ ngày ở Mỹ đến nay: “Từ ngày gia đình tôi sang Mỹ sinh sống, có thể nói tôi rất yên tâm. Bởi ở đây không có văn hóa ép rượu. Và pháp luật rất nghiêm minh, mỗi quy định được đưa ra là người ta đã nghiên cứu rất kỹ và có những đánh giá cụ thể về tác động; và hơn thế là được góp ý công khai nên ai cũng tôn trọng. Cảnh sát thì tất nhiên không bao giờ có chuyện nhận hối lộ của lái xe.”
Quan trọng hơn hết, vẫn theo lời chị Thủy, “Ông chồng tôi từ ngày sang đây rất nghiêm chỉnh, có đi nhậu với bạn bè thì cũng chỉ uống vừa phải; mà có đi thì lúc nào tôi cũng đưa về, hoặc nếu không tới được thì tôi yêu cầu phải gọi uber hoặc taxi về.”
Tài xế ở Việt Nam, dù đồng tình với việc tăng nặng khung hình phạt đối với hành vi uống rượu lái xe, khẳng định vẫn cần một sự minh bạch từ phía các cơ quan thực thi pháp luật: Cần có sự giám sát đối với lực lượng cảnh sát giao thông. Từ đó mới có thể tạo ra sự công bằng và đồng thuận; tránh việc tái diễn tình trạng đối tượng điều chỉnh của luật và quy định pháp luật chỉ là người dân mà thôi.