Luật mới của Nga đe dọa các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự

Dòng chữ được xịt bằng sơn "Đặc vụ nước ngoài" "[yêu] Mỹ" trên bức tường của Văn phòng tổ chức nhân quyền Memorial ở Moscow, Russia.

Tháng trước, Nga siết chặt luật về "đặc vụ nước ngoài", nhắm mục tiêu vào truyền thông nước ngoài hoạt động tại Nga. Theo luật này, Moscow có thể yêu cầu các cơ sở truyền thông khai báo là "đặc vụ nước ngoài" và bị giám sát kỹ về nhân sự và tài chính. Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ- VOA là một trong những tổ chức truyền thông được chỉ định như vậy. Thông tín viên Henry Ridgwell của VOA tường thuật rằng năm 2012, Nga cũng tung ra một quy định tương tự chống các nhóm xã hội dân sự được sự hỗ trợ của nước ngoài.

Bên ngoài văn phòng khu vực của tổ chức nhân quyền Memorial vào đầu tháng này tại Ingushetia, hai người đàn ông bị phát hiện trên camera an ninh đang dùng thang leo lên trước khi châm lửa đốt tòa nhà. Nhà chức trách địa phương bác bỏ bất kỳ liên hệ nào tới cuộc tấn công này.

Từ lâu, tổ chức nhân quyền Memorial đã bị nhắm tấn công vì những nỗ lực của tổ chức này nhằm thu thập tài liệu về các tội ác lịch sử trong thời kỳ Xô Viết, cũng như về các hành động đàn áp nhân quyền hiện nay. Tổ chức Memorial bị chỉ định là "đặc vụ nước ngoài" vào năm 2015, và bị buộc tội là nhận tiền từ Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ của Hoa Kỳ, Ủy ban châu Âu và những nơi khác.

Ông Kirill Koroteev, Giám đốc Pháp lý của tổ chức Memorial, cho biết:

“Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian ở tòa án. Chúng tôi mất quá nhiều thời gian để tự bảo vệ mình, vì chúng tôi bị nhà nước kiểm soát rất nghiêm ngặt, và điều đó có nghĩa là ngay cả những sơ suất nhỏ nhất cũng có thể trở thành lỗi, trong mắt của nhà nước, dẫn tới phạt tiền hoặc nguy cơ dẹp bỏ”.

Đối với nhiều người, luật về "đặc vụ nước ngoài" nhắc nhớ tới những vụ tố khổ quy cho nhiều người tội gián điệp chống Xô Viết, xảy ra dưới thời Stalin.

“Từ ngữ được dùng tự nó đã nói lên điều này, cụm từ được mượn từ thời kỳ “Đại Khủng bố” (dưới quyền Stalin). Điều đó là rõ ràng”, ông Koroteev nói.

Tổ chức Levada thực hiện các nghiên cứu xã hội và thăm dò ý kiến công chúng. Tổ chức này cũng bị chỉ định là "đặc vụ nước ngoài" và bị cấm hoạt động trong mùa tranh cử sắp tới ở Nga.

Ông Denis Volkov thuộc Trung tâm Levada:

“Sẽ không có ai tự đi tìm hiểu xem tiền nước ngoài được sử dụng vào những việc gì. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng nhất là tiền nước ngoài bị gắn liền với tai tiếng, để khoác lên nó một vẻ gì mờ ám. Cái mác đó quy cho một ai đó là ‘làm việc cho nước ngoài’, và làm việc cho nước ngoài hàm ý là người đó chống lại nước Nga”.

Moscow nói mục đích của đạo luật này là nhằm ngăn chặn những hành động can thiệp vào nội tình chính trị nước Nga từ nước ngoài, là điều bất hợp pháp. Trên các đường phố Moscow, không mấy ai muốn thảo luận về chủ đề này. Những người lên tiếng đều ủng hộ chính phủ.

Một cư dân Moscow, bà Larisa nói:

“Tôi ủng hộ tất cả những gì phục vụ lợi ích quốc gia, tất cả mọi thứ có lợi cho chúng tôi. Điều đó làm tôi hài lòng. Có thể tôi là một người yêu nước, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể vượt khó để sống còn mà không cần tất cả những thứ đến từ nước ngoài đó”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW nói đạo luật về đại diện nước ngoài gây cảm giác bất an. Tới tháng 9 năm 2017, Nga đã chỉ định 158 tổ chức là "đặc vụ nước ngoài" và các tòa án nước này áp đặt những khoản tiền phạt khổng lồ đối với những ai không tuân thủ. Tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế này ước tính có khoảng 30 nhóm xã hội dân sự phải ngừng hoạt động.