Lời hát nơi những ca khúc

Lời hát nơi những ca khúc

Chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện xin kính chào quý vị nghe đài.

Quý vị thân mến! Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đề cập đến phần lời hát nơi những ca khúc. Như chúng ta đều biết, trừ phi là nhạc không lời, được coi như những bản nhạc, còn một khi đã đuợc gọi là ca khúc, là bài hát, thì tất yếu phải có đủ hai phần: lời và nhạc.

Thay vì nói một bài hát gồm nhạc và lời thì chúng tôi nói là gồm có lời và nhạc vì thoạt kỳ thủy, và tưởng cũng có thể nói là ở nước nào cũng vậy, khi người ta muốn hát lên một nội dung gì đấy thì cái chính là những lời lẽ người ta muốn hát lên, và vì là muốn hát lên cho nên nhất thiết phải có một giai điệu nào đấy đi kèm. Dần dà, trăm năm này qua trăm năm khác, nội dung và hình thức những bài hát cứ thế phát triển từ dạng thô sơ nhất cho đến những dạng phong phú nhất. Và khi chúng phát triển đến mức đa dạng, phong phú như ta vẫn thường nghe ngày nay, dù là những bài hát từ bất cứ nơi đâu, thì phong phú là ở mặt tiết điệu, tiết tấu; cách người ta dàn dựng phối khí, hòa âm, kể cả cung cách người ta triển khai giai điệu qua thời gian cũng như không gian, tức là ở các nước khác nhau.

Còn về phần lời hát thì tuy người ta sử dụng chữ nghĩa có khác đi trong cung cách viết lách thế nhưng tựu trung thì nội dung các bài hát về đủ mọi thể loại hay đề tài, ở bất cứ nơi đâu, đại để cũng không thực sự thay đổi cho lắm. Và điều đó cũng tương đối dễ hiểu bởi quanh đi quẩn lại thì cũng vẫn là con người với từng ấy dạng cảm xúc.

Trong ngôn ngữ thông thường hàng ngày, thay vì hỏi nhau trong lúc trà dư tửu hậu xem người đang đối thoại với mình có thích nghe những bài hát hay không thì người ta cũng thường quen miệng hỏi nhau xem có thích “nghe nhạc” hay không! Hai cách hỏi đó không có nghĩa tương đuơng với nhau một chút nào hết! Có những người khi nói mình yêu thích một bài hát nào đấy thì họ muốn nói đến giai điệu của bài hát, mà họ chỉ nhớ một đôi câu nơi phần lời. Lại có những người khi nói yêu thích một bài hát thì lại nhấn mạnh đến phần lời hát mà họ lấy làm tương đắc!

Trong suốt mấy mươi buổi phát thanh của chương trình này kể từ những ngày đầu, chúng ta đã cùng nhau có dịp nghe trích đoạn của khá nhiều bài hát trong cũng như ngoài nước, kể cả những bài hát nước ngoài để cùng nhau tìm hiểu bước đi không những của Tân Nhạc Việt Nam mà còn của nền ca hát các nơi khác trên thế giới, vì mức độ giao lưu toàn cầu ngày nay đã càng lúc càng thêm tác động đến nhau chặt chẽ.

Trong chương trình phát thanh của buổi hôm nay ta cùng nhau thực hiện một điều như thể mở một dấu ngoặc để nhân đó nêu câu hỏi: ”Ở các nơi khác trên thế giới, về mặt giai điệu thì chúng ta cũng đã cùng nhau có một ý niệm rồi, nhưng còn về lời hát thì người ta viết những gì, viết lách ra sao?”

Ở nước ta, khi nói chuyện “năm châu bốn biển” thì ta vẫn có thành ngữ là “Nói chuyện bên Tây bên tàu”! Vậy thì ta bắt đầu với một bài hát bên Tây - hiểu theo nghĩa rất xưa là bên Pháp - tựa là bài “C’est dit”, tức là “Coi như đã được khẳng định”, qua giọng ca của Colegero, một nam ca sĩ thuộc vào hàng “ăn khách” ngày nay tại Pháp!

Nội dung lời hát của bài này:

Nào là gái, nào là trai
Nhiều đêm say sưa và thức trắng
Thời giờ chúng tôi sử dụng là như thế
Cuộc đời chúng tôi thời ấy là như thế
Những tuổi thanh niên chóng qua, chuyện gì cũng làm cho bằng được
Cả một lũ vô công rồi nghề
Nhưng con người ta chỉ giàu nhờ nơi số bạn bè
Và điều đó thì cứ coi như là khẳng định!

Thế rồi có lúc giông bão nổi lên
Chả một ai lường trước được
Nào là những mối tình vô vọng
Những lần thất bại, những chuyện trớ trêu
Khi mọi thứ đổ vỡ thì ngay đến cả giấc mơ cũng cuốn vó
Chỉ còn lại một hải đảo, một bến cảng, một phe nhóm với nhau
Con người ta chỉ giàu nhờ nơi số bạn bè có đuợc
Điều đó thì cứ coi như là khẳng định!

Thế nhưng khi mọi việc bừng sáng lên
Khi mọi việc lại mỉm cười với chúng tôi
Nào là công danh phú quý
Những màn cổ vũ liên hoan, những món trang sức đắt tiền, những cuộc vui điên loạn
Khi người ta làm tôi say sưa ngất ngưởng với những màn giả hình hay mất trí nhớ
Với nào là danh vọng, tiền tài
Nhưng cho đến ngày hôm nay thì tôi biết gì nào?
Tôi biết rằng nếu như mình có giàu thì ấy là giàu về bạn bè
Và điều đó thì cứ coi như là đã đuợc khẳng định!

Và bây giờ xin mời quý vị ta cùng nhau nghe bài “C’est dit” qua giọng ca Colegero, nam ca sĩ Pháp.

C'EST DIT

Vừa rồi là bài hát của Pháp tựa là “C’est dit” qua giọng ca của Colegero!

Bên Tây xong rồi thì bây giờ ta qua bên Tàu! Và tiếp theo đây là một bài hát của Trung Hoa tựa là “Em sẽ chờ” qua giọng hát của Lưu Nhược Anh, người còn có một cái tên khác là “Rene Liu”, một ngôi sao điện ảnh kiêm ca sĩ nổi tiếng của Đài Bắc.

Trong một buổi phát thanh cách đây hơn một tháng, nhân đề cập đến giải ca nhạc “Grammy” bên Hoa Kỳ cho năm 2009 chúng tôi có nhắc đến ca sĩ Taylor Swift, 21 tuổi, với giải thưởng về ca sĩ xuất sắc nhất trong năm cũng như giải thưởng với bài hát “You belong with me”, có nghĩa là “Anh chỉ có hợp với em”. Nội dung tóm lược của bài hát đó là: ”Hôm anh cãi nhau với con nhỏ bạn gái của anh thì vì nó cũng là bạn của em cho nên em biêt tính khí của nó và vì vậy mà em cho rằng anh không cách chi hạp với nó; anh chỉ hạp với em thôi à”!

Nội dung lời hát nơi bài “Em sẽ chờ” của bên Đài Loan là như sau:

“Không suy nghĩ hay do dự gì thêm, em nói câu này: ”Em sẽ chờ anh”!
Có một thoáng ngạc nhiên ánh lên trong mắt anh
Và lại thêm những ánh mắt ngạc nhiên nữa, khiến anh có thể bình tâm mà ra đi.
Em không tin là anh sẽ đổi ý
Nhưng còn phần em thì chẳng qua chỉ vì em kiên định cho nên em mới quyết tâm chờ anh!
Em không đổ một giọt nước mắt
Nếu có những giọt nước mắt chăng thì chúng theo rõi bóng anh rồi quay trở ngược lại vào tim em!
Em sẽ chờ anh trong hạn kỳ nửa năm
Sau đó thì em sẽ quyết tâm cũng như tàn nhẫn quên đi
Quên không chỉ những lúc khiến em đau đớn mà cả những giây phút mặn nồng bên nhau
Và đến chừng đó thì anh hẳn đã công khai theo cô gái kia!
Em muốn chờ anh là bởi em muốn tự chứng minh với mình là em ghi tạc hình bóng anh trong lòng
Thế nhưng em vẫn có thể coi anh như một kẻ qua đường
Chỉ khi em yêu thiết tha đến mức đau lòng thì em mới đặt ra một hạn kỳ như thế để rồi sau đó em có thể tự quên mình!

Và bây giờ xin mời quý vị ta cùng nhau nghe trích đoạn bài hát Trung Hoa tựa là “Em sẽ chờ” qua giọng ca Lưu Nhược Anh. Trích đoạn này, cũng như trích đoạn vừa rồi, tất nhiên mang tính minh họa, do đó chúng tôi hy vọng là quý vị không đến nỗi khó chịu với âm hưởng ngoại lai, bởi nếu cứ xét cho kỹ thì trong giới ca sĩ trẻ ca hát biểu diễn của nước ta ngày nay cũng như ở hải ngoại thì cách phát âm của không ít người cũng nghe ra cứ như thể họ phát âm một thứ ngôn ngữ nước ngoài nào khác chứ không phải tiếng Việt ta!

EM SẼ CHỜ

Quý vị thân mến. Vừa rồi là trích đọan bài hát “Em sẽ chờ” qua giọng ca Lưu Nhược Anh. Và nội dung lời lẽ bài hát thì như chúng tôi đã trích dịch qua bản tiếng Anh, dịch từ nguyên tác bằng Hoa ngữ.

Xem qua cung cách người ta viết lời hát ở xứ người cũng như ở nước ta của ngày hôm nay thì mới thấy là cung cách viết lời hát đã khác nhiều lắm so với những gì ta đã quen tai từ một thời không đến nỗi xa lắm. Xin mời quý vị ta cùng nhau nghe lại bài hát “Trở về bến mơ” của Ngọc Bích, một bài hát của thời thập niên 50, qua tiếng hát của Sĩ Phú:

TRỞ VỀ BẾN MƠ


Vừa rồi là một lượt hát bài “Trở về bến mơ” của Ngọc Bích qua giọng ca Sĩ Phú!

Đối với những ai có tấm lòng hoài cổ, yêu thích cái hay cái đẹp của một thời đã qua thì chúng tôi thiết nghĩ là những gì của một thời đã qua đó sẽ không bao giờ trở lại. Do bước đi của lịch sử, của tư duy nơi con người qua các thời đại thì những gì đã qua khó có cơ may được lập lại.

Ở những nước ngoài thì không nói mà làm gì, vì họ truyền thống văn hóa của họ, họ có đueờng lối phát triển của họ về mọi mặt, trong đó có chuyện ca nhạc. Chỉ có điều là đã từ lâu, việc giao lưu trên toàn cầu cũng đã phát triển do đó mà ảnh hưởng qua lại giữa âm nhạc thế giới nói chung cũng như ngành ca nhạc nói riêng càng ngày càng thêm gắn bó, chặt chẽ. Nhưng tựu trung thì trong một tương lai gần hay xa, vấn đề là khi nghe một bài hát thì từ cung cách đến âm hưởng được thể hiện, một người dân Việt Nam có thể phân biệt để nói, hoặc: ”Đây là một bài hát Việt Nam” hay là nói: ”Nghe không còn ra một bài hát của nước mình”! Trường hợp thứ hai thì đã có khá nhiều dư luận cho rằng chả còn phải đợi một tương lai gần hay xa gì nữa vì nó đã diễn ra hàng ngày!

Và đến đây thì cũng đã chấm dứt chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay; xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau.