Nhà chức trách Việt Nam sẽ trừng phạt các nghệ sỹ dính chàm bằng biện pháp ‘ba cấm’, tức cấm diễn, cấm sóng, cấm quảng cáo, kể từ tháng 10 tới để làm trong sạch lại giới showbiz trong nước vốn đang bị bê bối bủa vây, theo tìm hiểu cùa VOA.
Giới showbiz ở Việt Nam trong thời gian gần đây bị dính hàng loạt tai tiếng, từ cáo buộc ăn chặn tiền từ thiện, quảng cáo thuốc sai sự thật, tung tin thất thiệt, phát ngôn gây sốc, quỵt tiền, vỡ nợ, sử dụng chất kích thích, buôn bán ma túy cho đến bị tố cáo hiếp dâm ở nước ngoài.
Biện pháp ‘ba cấm’ mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua trong Kế hoạch triển khai Chiến lược phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhắm tới các nghệ sỹ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục và gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội, trang mạng VOV cho biết.
Các biện pháp cấm trên khắp các nền tảng này gợi nhắc đến ‘phong sát’ – cách làm của Trung Quốc phong tỏa toàn diện đối với bất cứ nghệ sỹ nào có tỳ vết, không cho họ còn không gian để xuất hiện trước công chúng.
Theo VOV thì biện pháp này của Bộ Thông tin và Truyền thông ‘nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận’ nhằm tránh cho giới trẻ bị tác động xấu từ giới showbiz.
Quy trình thực hiện biện pháp này đang được Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời bà Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết.
Khác với ‘phong sát’ của Trung Quốc là cấm luôn, Việt Nam sẽ cấm có thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 8 tháng, 10 tháng hay 24 tháng tùy theo mức độ vi phạm, bà Ly được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.
Các vi phạm sẽ được một tổ công tác của hai bộ này xem xét, từ đó khuyến nghị đến các cơ quan truyền thông, các đơn vị tổ chức biểu diễn và các công ty để họ không mời các nghệ sỹ vi phạm, cũng theo bà Ly.
Tại buổi tọa đàm về thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng được tổ chức ở Hà Nội hôm 19/4, người mẫu Hạ Vy và diễn viên trẻ Hàn Trang được trang mạng VnExpress dẫn lời nói họ ủng hộ làm mạnh tay với những nghệ sỹ nhúng chàm nhưng ‘đừng đến mức phong sát’.
VOA đã liên lạc một số nghệ sỹ và nhà quản lý văn hóa trong nước để hỏi ý kiến về việc này nhưng tất cả đều từ chối trả lời.
‘Cần lập lại trật tự’
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh với điều kiện giấu tên vì sợ mất lòng người trong giới, một nhà báo theo dõi mảng văn nghệ nói ông ‘rất đồng tình’ với biện pháp mạnh tay để lặp lại trật tự trong giới nghệ sỹ mà ông cho là ‘hiện rất loạn’.
“Trước giờ toàn giơ cao đánh khẽ nên các nghệ sỹ không sợ. Họ cứ làm bừa. Báo chí có phê bình nhưng sau đó một thời gian thì họ lại quên đi,” nhà báo này chỉ ra.
Bên cạnh đó, việc khán giả Việt Nam ‘quá dễ dãi’, theo lời nhà báo này, càng khiến cho những nghệ sỹ làm sai ‘cứ mặc kệ, thậm chí họ còn lợi dụng chiêu trò bẩn để càng thêm nổi tiếng’.
“Khán giả cứ tẩy chay một thời gian rồi sau đó nghe họ hát, xem họ diễn trở lại thì họ đâu có sợ,” ông giải thích.
Ông dẫn chứng việc một số nghệ sỹ ‘bản thân không hề biết gì về dược lý mà lại lên mạng quảng cáo tầm bậy tầm bạ thuốc chữa mỡ bụng chẳng hạn’. “Họ đem tên tuổi mình ra đảm bảo, khán giả cứ thấy nghệ sỹ quảng cáo là họ tin, họ mua,” ông nói.
“Bây giờ có những bạn trẻ chỉ cần có ngoại hình, giọng ca trung bình, vô phòng thu thu một bài hát nào đó đang nổi rồi thảy lên YouTube hay TikTok hay tham gia gameshow trên truyền hình là ngày mai nổi tiếng ngay,” nhà báo giấu tên này nói thêm và gọi những người này là ‘nổi tiếng ảo’.
Việc nổi tiếng nhờ chiêu trò, đánh vào thị hiếu dễ dãi này, theo ông, là ‘rất không công bằng cho những người làm nghề tử tế’.
“Có những nghệ sỹ phải qua đào tạo trường lớp mấy năm, khi mới ra nghề còn phải chật vật chạy Grab kiếm sống để tối còn lên sân khấu biểu diễn. Họ yêu nghề, bền bỉ với nghề với hy vọng một ngày nào đó được công chúng để ý,” ông cho biết.
Bên cạnh đó, quy chế phong tặng danh hiệu nhà nước như ‘Nghệ sỹ Nhân dân’, ‘Nghệ sỹ Ưu tú’ lâu nay chỉ xét đến số lượng huy chương tại các hội diễn khiến cho ‘một số nghệ sỹ có đời sống cá nhân be bét cũng được trao danh hiệu’, ông chỉ ra.
“Có thưởng, có trao danh hiệu thì phải có phạt,” ông lập luận. “Hình ảnh người nghệ sỹ đã trở nên ngày càng lố bịch khiến khán giả không còn thương, không còn nể gì hết mà nếu không có biện pháp mạnh thì sẽ càng tuầy huầy hơn.”
Tuy nhiên, ông cho rằng không nên rập khuôn ‘phong sát’ kiểu Trung Quốc vì như vậy thì ‘quá nặng nề’, mà chỉ nên cấm có thời hạn hay thu hồi lại danh hiệu đã phong tặng.
“Bản thân người nghệ sỹ chỉ cần không được đứng trên sân khấu, không được lên hình trong 6 tháng 1 năm là đã quá đau rồi,” ông lý giải và dẫn ra trường hợp nghệ sỹ hài Minh Béo, vốn bị kết tội ấu dâm ở Mỹ, về nước đã phải rất khổ sở tìm lại chỗ đứng vì bị các sân khấu và đài truyền hình tẩy chay.
“Ở Việt Nam, Minh Béo không bị tòa nào kết án hết nhưng vẫn phải rời khỏi cuộc chơi chuyên nghiệp,” ông nói.
Nhà báo này đề xuất xây dựng một bảng quy tắc cụ thể - từng vi phạm sẽ bị cấm tương ứng trong bao lâu. Việc đó cũng nhằm tạo điều kiện cho những nghệ sỹ lầm lỡ ‘có cơ hội quay đầu’, ông nói thêm.