Đại diện Viện Kiểm sát TP.HCM – nơi thực thi quyền công tố trong phiên xử sơ thẩm vụ án “tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan,... vừa đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án này “loại trừ vĩnh viễn” bà Trương Mỹ Lan khỏi đời sống xã hội vì là “chủ mưu nhưng ngoan cố, không thừa nhận hành vi phạm tội, đổ lỗi cho cấp dưới, không ăn năn hối cải” (1).
Ai tin một nữ thương nhân vốn hết sức bình thường ở chợ vải Soái Kình Lâm (quận 5, TP.HCM) đột nhiên trở thành người có thể tự “chọc trời, khuấy nước” để gầy dựng khối tài sản trị giá hàng tỉ Mỹ kim, lũng đoạn toàn bộ hệ thống Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gây ra thiệt hại được ước tính cỡ 500.000 tỉ?
Cho dù đại diện cơ quan thực thi quyền công tố khẳng định: Việc đưa bà Lan cùng các đồng phạm ra xét xử công khai là để răn đe, phòng ngừa giáo dục chung, thể hiện sự quyết tâm của đảng và nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thể hiện tinh thần xử lý tội phạm không có vùng cấm... nhưng làm sao có thể “răn đe, phòng ngừa chung” khi vụ án này cho thấy, chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã bật đèn xanh cho NHNN hỗ trợ bà Lan thâu tóm SCB. Cho dù đã có rất nhiều người can gián cách thức xử lý “ngân hàng yếu kém”, cho dù đã có hàng loạt “ngân hàng yếu kém” tạo ra thêm hàng loạt đại án sau khi được “tái cơ cấu” nhưng bà Lan vẫn có thể thâu tóm SCB nhờ chỉ đạo “hợp nhất” Ficombank (Ngân hàng Đệ Nhất), TinNghiaBank (Ngân hàng Tín Nghĩa) và SaigonBank (Ngân hàng Sài Gòn). Nếu không “tái cơ cấu” sẽ không có những đại án ngân hàng xảy ra ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Sacombank, Tiền Phong Bank, OceanBank,... và giờ là SCB. Xét về mức độ... “ngoan cố” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng và tính chất nghiêm trọng do sự... “ngoan cố” này gây ra đối với nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chánh, tín dụng nói riêng, chẳng lẽ chỉ “loại trừ vĩnh viễn” bà Trương Mỹ Lan đã là... thỏa đáng?
Làm sao cơ quan thực thi quyền công tố có thể dũng cảm tới mức dõng dạc bảo rằng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm là “thể hiện sự quyết tâm của đảng và nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thể hiện tinh thần xử lý tội phạm không có vùng cấm...” khi rõ ràng chuyện bà Trương Mỹ Lan “chọc trời, khuấy nước” không chỉ có lũng đoạn SCB? Bà Trương Mỹ Lan có thể thâu tóm SCB và lũng đoạn ngân hàng này là nhờ thâu tóm công thổ, công sản và sở dĩ bà gây ra thiệt hại nặng nề cho SCB nói riêng, nền kinh tế nói chung vì bà có khả năng thâu tóm thêm công thổ, công sản. Tuy quyết định chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của bà Lan và những người hỗ trợ bà lũng đoạn SCB, cố tình lờ đi, bỏ qua những cá nhân, những nhóm đã hỗ trợ bà thâu tóm công thổ, công sản, kích thích bà phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn cũng là... “thể hiện quyết tâm” nhưng rõ ràng loại “quyết tâm” đó chỉ tiếp tục gieo rắc tai họa chứ không phải là... “hồng phúc dân tộc”! Lấy nhãn “đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thể hiện tinh thần xử lý tội phạm không có vùng cấm” dán lên loại “quyết tâm” ấy không che được sự thật, chẳng gạt được ai! Ngoa ngôn mà vô tác dụng thì ngoa ngôn làm gì cho thiên hạ thêm chán ghét?
***
Thật ra cơ quan thực thi quyền công tố chỉ lặp lại những điều mà một số viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng tuyên bố khi đề cập đến việc xử lý bà Trương Mỹ Lan bằng biện pháp hình sự, song cho dù có muốn... “làm duyên” cũng đừng xem thường ký ức của công chúng...
Đừng bi bô về “quyết tâm phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thể hiện tinh thần xử lý tội phạm không có vùng cấm”, đặc biệt là khi xem xét trách nhiệm hình sự của bà Trương Mỹ Lan, bởi đầu năm 2014, ông Dương Chí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) từng khai trước tòa (2) về chuyện một người tên Tiệp đã giúp bà Trương Mỹ Lan chuyển cho ông một triệu Mỹ kim để ông chuyển cho ông Phạm Quý Ngọ (Thượng tướng, Thứ trưởng Công an). Cũng theo lời ông Dũng, nhân vật tên Tiệp còn trấn an ông là đã báo cáo với ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an) để ông Quang góp ý với ông Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa… Sau đó ít ngày, ông Dũng trực tiếp đến thăm ông Quang. Khi ông Dũng đề cập về chuyện ông Ngọ giới thiệu công ty như thế, ông Quang bảo: Chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả (3)... Dẫu ông Dũng thành khẩn, không “ngoan cố” ông vẫn bị phạt tử hình. Không có cá nhân nào, nơi nào xem xét đơn tố cáo ông Dương Chí Dũng gửi sau phiên xử sơ thẩm và những lời ông Dũng khai tại phiên xử phúc thẩm... Tháng 2/2014, ông Phạm Quý Ngọ đột tử (4). Tháng 4/2016, ông Trần Đại Quang trở thành Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Nếu thật sự có cái gọi là “quyết tâm phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thể hiện tinh thần xử lý tội phạm không có vùng cấm”, bà Lan đã được “quan tâm đặc biệt” từ đầu năm 2014 chứ không thể tiếp tục “chọc trời, khuấy nước” và đến giờ mới bị cho là cần “loại trừ vĩnh viễn”.
“Loại trừ vĩnh viễn” bà Lan, liệu có đúng không?, và chỉ “loại trừ vĩnh viễn” bà Lan, liệu có đúng chưa?
Chú thích
(2) https://giaoduc.net.vn/duong-chi-dung-khai-gi-ve-nhung-lan-hoi-lo-nguoi-cua-bo-cong-an-post136923.gd
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/blogs/2014/04/140424_duong_chi_dung_and_the_millions_blog
(4) https://thanhnien.vn/thuong-tuong-pham-quy-ngo-qua-doi-1852960.htm