Lo ngại về nguy cơ sức khỏe gia tăng sau vụ cháy một nhà máy ở Hà Nội làm thủy ngân phát tán ra môi trường bên ngoài và sau khi nhà chức trách công bố kết quả quan trắc không khí cho thấy hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng cho phép.
Nhà kho của nhà máy sản xuất bóng đèn phích nước Rạng Đông bốc cháy dữ dội vào ngày 28/8 giữa một khu dân cư ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, khiến người dân hoảng loạn tháo chạy thoát thân. Hơn một tuần sau, sinh hoạt của cư dân vẫn bị gián đoạn trong khi nỗi lo sợ nhiễm độc thủy ngân làm gia tăng sự bất an.
Tại cuộc họp báo của chính phủ hôm 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết kết quả quan trắc nước mặt, không khí trong khuôn viên khu vực bị cháy vượt từ 10 tới 30 lần theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tức ở mức ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Hai trên chín điểm quan trắc nước mặt có giá trị Hg nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khỏe con người là ở hồ Hạ Đình và ở sông Tô Lịch, cách khu vực cháy 1,5 km về phía hạ lưu, theo báo Tuổi Trẻ.
"Chúng tôi xác định 15,1- 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường," ông Nhân nói, theo Vietnamnet.
Ông cho biết thêm đây là "sự cố mất an toàn hóa chất ở quy mô trung bình," với các khuyến cáo phạm vi vùng ô nhiễm theo tiêu chuẩn của WHO và Châu Âu là 500m tính từ hàng rào kho đến khu vực xung quanh.
Một số người dân bày tỏ lo ngại về những nguy cơ đối với sức khỏe của mình trong khi có ít những khuyến cáo được nhà chức trách đưa ra để phòng vệ.
Trung tâm Chống Độc của Bệnh viện Bạch Mai được báo nhà nước trích thuật rằng kể từ sau vụ cháy đã có trên 100 người được làm xét nghiệm thủy ngân máu. Kết quả cho thấy có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L là mức tối đa cho phép, theo báo Giao Thông. Các trường hợp khác đang đợi kết quả.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết các triệu chứng nhiễm độc thủy ngân khác nhau tùy thuộc dạng ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể.
Ông nói thủy ngân có tác hại ghê gớm nhất là khi bị hun nóng và bốc hơi ra không khí, dẫn tới hàm lượng thủy ngân trong một số điểm quan trắc vượt ngưỡng cho phép.
Trao đổi với VOA, bác sĩ nội khoa Phan Hoàng Anh đang công tác tại Bệnh viện Methodist Willowbrook ở Houston, bang Texas, Hoa Kỳ, giải thích: “Những trường hợp bị nhiễm hoặc ngộ độc thủy ngân thường qua ba con đường: hít thở, tiếp xúc trực tiếp và ăn uống.”
“Nếu thủy ngân nung nóng lên thì nó sẽ đi vào đường phổi của chúng ta đầu tiên hết và nó đi nhanh hơn là những đường kia. Tác hại của việc hấp thụ thủy ngân qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn uống phát triển từ từ theo thời gian. Thủy ngân ở dạng hơi hấp thụ vào phổi rất nhanh và có tác hại rất nhanh.”
Bác sĩ Hoàng Anh cho biết hít phải thủy ngân quá nhiều có thể đưa tới suy hô hấp hoặc phù phổi gây khó thở. Nếu mức độ hấp thụ quá nhiều và trở thành ngộ độc thì có thể ảnh hưởng tới thận và não, làm cơ bị yếu đi và tinh thần rối loạn.
Nữ bác sĩ khuyến cáo những người bị ảnh hưởng nên đi gặp bác sĩ để làm xét nghiệm để xác định chính xác liệu các triệu chứng có phải do thủy ngân hay không để tiến hành điều trị phù hợp. Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm độc nặng có chiều hướng suy thận hoặc khó thở thì nên vào bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Đối với những người dân sống gần sát khu vực cháy, bác sĩ Hoàng Anh khuyên tốt hơn hết là tạm thời lánh đi nơi khác một thời gian, thay vì đeo khẩu trang.
“Cho dù có đeo khẩu trang đi nữa thì thủy ngân vẫn ở trong không khí. Chúng ta vẫn có thể hít vào được,” bác sĩ Hoàng Anh khuyến cáo. “Khẩu trang chỉ có thể giúp cho chúng ta một tí mà thôi chứ không thể lọc hết thủy ngân trong không khí.”