Việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay ngang qua Nhật Bản có thể tăng áp lực lên Washington phải cân nhắc giải pháp bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên trong tương lai, mặc dù không có gì đảm bảo bắn chặn sẽ thành công, giữa lúc các giới chức Mỹ tỏ ra thận trọng về tình trạng căng thẳng leo thang với Bình Nhưỡng tới mức đô nguy hiểm.
Theo một quan chức chính phủ Mỹ, mọi chú ý đang đổ dồn vào triển vọng Mỹ có thể đánh chặn một tên lửa đang bay, sau khi Bắc Triều Tiên một lần nữa thực hiện một trong các vụ phóng thử tên lửa táo bạo nhất từ nhiều năm qua hôm thứ Ba 29/8.
Một quyết định quan trọng như vậy chắc chắn phải được suy nghĩ chín chắn, trước bối cảnh những căng thẳng do các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên gây ra.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump vẫn lặp đi lặp lại rằng "tất cả mọi sự lựa chọn đều đang được xem xét," không có dấu hiệu nào cho thấy có thay đổi chính sách về hành động quân sự của Mỹ.
Việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa Hwasong-12 tầm trung bay ngang qua đảo Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản, nêu bật sự kiện những lời lẽ cứng rắn của ông Trump, và việc ông theo đuổi các biện pháp chế tài gắt gao, và đôi khi phô trương lực lượng quanh bán đảo Triều Tiên, vẫn không răn đe được lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Ông David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á nhận định: "Khi thực hiện vụ phóng tên lửa này, ông Kim Jong Un đã thách thức người Mỹ và người Nhật.”
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố quân đội sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào được cho là mối nguy nhắm tấn công lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh.
Hiện chưa rõ liệu Washington có sẵn sàng sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng để đánh chặn một tên lửa như tên lửa đã bay ngang qua Nhật Bản, nhưng không trực tiếp đe dọa lãnh thổ Mỹ.
Về cơ bản, làm như vậy là một hành động của Hoa Kỳ nhằm phô trương lực lượng chứ không là một hành động để tự vệ.
Ông Shear nói:
“Tôi nghĩ rằng trong những sự lựa chọn đang được chính phủ xem xét thì có phần chắc giải pháp đó là một trong những giải pháp đang được xem xét."
Một số nhà phân tích nói có nguy cơ Bắc Triều Tiên coi đó là một hành động chiến tranh và sẽ trả đũa quân sự, gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc, nước láng giềng và đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên, có phần chắc sẽ phản đối một hành động quân sự trực tiếp của Mỹ.
Nguồn: Reuters