Trong lúc giới khoa học đang chạy đua để điều nghiên về những hậu quả của biến thể Omicron, một trong những câu hỏi quan trọng nhất chính là liệu phiên bản mới này của COVID có ‘qua mặt’ biến thể Delta đang chế ngự toàn cầu hiện nay hay không.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê Omicron là ‘biến thể đáng quan ngại’ chỉ vài ngày sau khi nó được báo cáo lần đầu tiên tại miền Nam Châu Phi.
WHO cho biết đang phối hợp với nhiều nghiên cứu gia trên thế giới để tìm hiểu xem Omicron sẽ tác động tới đại dịch thế nào, hy vọng khám phá mới sẽ có trong vài ngày hay vài tuần tới.
Một số chuyên gia về dịch bệnh mà Reuters phỏng vấn cho biết có nhiều cơ sở để tin rằng Omicron sẽ làm cho vaccine kém hiệu quả hơn.
Omicron có một số đột biến chính giống hai biến thể trước đây là Beta và Gamma, làm chúng ít bị tổn thương trước vaccine. Ngoài ra, Omicron còn có 26 đột biến ‘độc lạ’, đa số nằm trong các khu vực mà kháng thể do vaccine tạo ra nhắm mục tiêu.
Các giới chức ở Nam Phi lên tiếng cảnh báo về Omicron sau khi xác định chỉ vài chục ca nhiễm.
Các nhà khoa học đang theo dõi sát xem khi nào các ca nhiễm Omicron bắt đầu lấn lướt các ca nhiễm Delta. Việc này có thể mất từ 3 tới 6 tuần, tuỳ theo biến thể tiến triển nhanh tới mức nào, theo các chuyên gia.
Các thông tin khác có thể có sớm hơn. Trong vòng nửa tháng, “chúng ta sẽ thấy rõ mức trầm trọng của bệnh,” tiến sĩ Peter Hotez, một chuyên gia về vaccine, cho biết. “Chúng ta đang có những báo cáo khác nhau, một số cho biết bệnh nhẹ, một số báo cáo vài ca nặng trong các bệnh viện ở Nam Phi,” ông nói thêm.
Trong cùng khung thời gian này, các nhà nghiên cứu cho hay họ hy vọng có câu trả lời sơ khởi về việc liệu Omicron có thể né sự bảo vệ mà chúng ta có được từ vaccine hay không.
Các dữ liệu ban đầu sẽ đến từ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm từ phòng thí nghiệm, phân tích kháng thể của bệnh nhân sau khi phơi nhiễm với biến thể Omicron.
Giáo sư về vi sinh và miễn dịch, David Ho, thuộc Đại học Columbia tại New York tin rằng biến thể Omicron sẽ có một mức độ kháng chế đáng kể dựa vào vị trí đột biến trong protein gai của virus.
“Kháng thể do vaccine mang lại nhắm mục tiêu ba vùng trên gai virus corona, và biến thể Omicron có đột biến tại cả ba vùng đó, giáo sư Ho cho biết.
Các chuyên gia khác thì tin rằng những biến thể trước đây như Beta cũng có đột biến làm cho vaccine kém hiệu quả hơn nhưng vaccine vẫn giúp ngăn bệnh nặng và tử vong. Theo họ, thậm chí khi các kháng thể trung lập hoá mà vaccine giúp tạo ra trở nên kém hiệu quả thì các thành tố khác trong hệ thống miễn dịch của chúng ta là tế bào T và tế bào B có thể sẽ bù đắp cho chúng ta.
“Tiêm chủng có thể sẽ ngừa cho chúng ta khỏi phải nhập viện,” theo ông John Wherry, giám đốc Viện Miễn dịch học Penn ở Philadelphia.
Các cuộc khảo sát trong đời thực về hiệu nghiệm của vaccine trước biến thể Omicron có thể mất từ 3 tới 4 tuần, trong lúc các chuyên gia nghiên cứu tỷ lệ các ca ‘đột phá vaccine’ (tức đã chích ngừa vẫn bị nhiễm COVID), theo lời tiến sĩ Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota.
Theo giáo sư David Ho, việc Omicron đang lây lan trước sự hiện diện của Delta, ‘vốn qua mặt tất cả các biến thể khác, là điều rất đáng lo.’
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng chuyện này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Các đột biến cụ thể giúp biến thể Omicron lây lan thì ‘không khác gì mấy so với biến thể Alpha hay Delta,’ theo tiến sĩ Peter Hotez.