Liên minh châu Âu (EU) hôm 17/3 đã quyết định đưa các quan chức Trung Quốc vào “danh sách đen” vì vi phạm nhân quyền, hai nhà ngoại giao cho biết.
Đây là các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Bắc Kinh kể từ lệnh cấm vận vũ khí của EU vào năm 1989 sau cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên Môn.
Các đại sứ EU đã thông qua lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với bốn cá nhân và một thực thể Trung Quốc, mà tên sẽ không được công bố cho đến khi các ngoại trưởng EU chính thức phê duyệt vào ngày 22 tháng Ba, trong một phần danh sách trừng phạt mới và dài hơn.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Các biện pháp hạn chế vì các vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng đã được thông qua”.
Các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo Uighur, các nhà ngoại giao EU nói với Reuters. Họ cho biết động thái này phản ánh mối quan tâm sâu sắc về người Uighur ở châu Âu, Hoa Kỳ và Canada.
Lần cuối cùng EU trừng phạt Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của khối này, là vào tháng 6 năm 1989, áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Bắc Kinh mà hiện vẫn đang được áp dụng.
Các nhà hoạt động và các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản.
Trên Twitter, phái bộ Trung Quốc tại EU đã đăng lại bình luận về các biện pháp trừng phạt mới do đại sứ Trung Quốc tại khối này, Zhang Ming, đưa ra hôm 16/3, nói rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi chính sách của mình.
Trung Quốc phủ nhận bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào ở Tân Cương và nói rằng các trại của họ cung cấp việc đào tạo nghề và đây là điều cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.