Chính trị gia gốc Việt ở Nam California đang ‘trỗi dậy’?

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định, ngày càng nhiều người ‘chọn con đường tiến thân qua chính trị’.

Thưa quý vị, chiến dịch tranh cử giữa kỳ tại Nam California đang bước vào những ngày cuối cùng. Con số kỷ lục các ứng viên người Việt ra tranh cử lần này đã khiến cuộc đua trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết, nhất là tại Quận Cam, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo sinh sống. Vậy điều gì đã thúc đẩy ngày càng nhiều ứng viên gốc Việt tham gia chính trường? Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ đã đi tìm hiểu tại thực địa, và gửi về bài tường thuật sau.

Hơn 10 ứng cử viên Hoa Kỳ gốc Việt đã tiến hành các hoạt động tranh cử vào các vị trí trong chính quyền các cấp từ địa phương tới tiểu bang và liên bang.

Tại các vị trí ngã tư nhiều người qua lại ở Little Saigon, những tấm biển kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho những người mang họ Nguyễn, Trần hay Đỗ xuất hiện dày đặc.

Anh Lý Phong, Tổng Hội sinh viên miền Nam California, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng số các ứng viên ra tranh cử lần này là gia tăng ‘đột biến’, và một phần cũng nhờ những người đã đi tiên phong ‘khai phá’.

Anh nói: ‘Nhờ những cử tri gốc Việt ra ứng cử rồi đắc cử mà sau đó nó mở đường cho rất nhiều người, cho những ứng cử viên khác, trong đó có những người trẻ. Họ thấy rằng đây là việc khả thi, đã có người làm được. Phong nghĩ rằng trong bất kỳ công việc nào cũng cần phải có người đi đầu để cho những người theo sau thấy rằng cái này mình có thể làm và làm được, mà một phần cũng là vì cộng đồng chúng ta cũng đã trưởng thành tới mức độ nào rồi sau 35 năm’.

Căn cứ vào tiểu sử của các ứng viên, ta thấy đa số đều tới định cư ở Hoa Kỳ khi còn nhỏ tuổi. Anh Phong đánh giá rằng những người ra tranh cử đó ‘xông xáo hơn thế hệ đi trước, một phần là bởi họ lớn lên trong xã hội Hoa Kỳ’.

Anh Phong nói rằng các ứng viên tranh cử lần này 'xông xáo hơn thế hệ đi trước'.

Anh cho biết: ‘Chúng ta quay lại năm tới mười năm trước đây thì số ứng cử viên người gốc Việt rất là ít, cho nên cộng đồng chúng ta nhiều lúc chỉ có một ứng cử viên là gốc Việt cho nên chúng ta ít có việc cạnh tranh hơn. Cộng đồng đa số dồn phiếu cho ứng cử viên đó vì họ muốn có được một tiếng nói. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có rất nhiều ứng cử viên gốc Việt. Và Phong nghĩ rằng, đi vào trong tương lai, thì số ứng cử viên gốc Việt trong cuộc bầu cử, nó cũng sẽ tăng thêm chứ không có giảm’.

Tổng hội Sinh viên miền Nam California còn cho rằng việc xuất hiện các ứng cử viên trẻ tuổi sẽ giúp thu hút thêm các cử tri trẻ quan tâm tới cuộc bầu cử và tham gia bỏ phiếu.

Được biết, các ứng viên xuất thân từ các tầng lớp và nghề nghiệp khác nhau.

Kinh tế gia có tiếng trong cộng đồng, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhận định, ngày càng nhiều người ‘chọn con đường tiến thân qua chính trị’.

Ông nói: ‘Tôi nghĩ một phần là vì lý tưởng, và nếu mình so sánh với các cộng đồng gốc Á châu khác, thì người Việt Nam nói chung, trong các gia đình Việt Nam đã từng là nạn nhân của những vấn đề chính trị, những chính sách chính trị, nên họ quan tâm tới các vấn đề chính trị nhiều hơn. Đấy là con đường mà tôi dùng chữ này có thể gây hiểu lầm, đó là con đường tiến thân, tức là một con đường có thể làm thay đổi được xã hội'.

Chuyên gia này nói thêm: 'Có thể nhiều thành phần khác họ nghĩ tới chuyện buôn bán, chuyện kinh doanh, hoặc là trong lĩnh vực giáo dục, họ muốn có một nghề nghiệp vững chắc để kiếm tiền, giàu có, để thay đổi cuộc sống của họ chẳng hạn. Nhưng so với các cộng đồng khác, người Việt ở đây quan tâm tới chuyện chính trị hơn, và giới trẻ cũng vậy'.

Cùng quan điểm với ông Nghĩa, chị Thiện Tâm, Giám đốc Văn phòng của Thượng nghị sĩ tiểu bang Lou Correa, cho rằng vấn đề lịch sử đã tác động tới ý thức chính trị của cộng đồng.

Chị Thiện Tâm cho rằng cộng đồng gốc Việt muốn có tiếng nói thì 'phải tham gia chính giới Hoa Kỳ'.

Chị nhận xét: ‘Tôi nghĩ không có gì ngạc nhiên hết vì cộng đồng của chúng ta ở hải ngoại, đặc biệt ở Hoa Kỳ, đã có mặt ở đây trên 30 năm rồi. Dĩ nhiên, sinh hoạt chính trị là vấn đề đương nhiên vì người Việt Nam chúng ta rời Việt Nam không phải là lý do kinh tế mà vì lý do chính trị, cho nên sang qua đây thì vấn đề sinh hoạt vào nền dân chủ ở đây là vấn đề đương nhiên'.

Nữ giám đốc nói thêm: 'Hơn 10 người Việt Nam ra ứng cử thì nó biểu dương cho sự lớn mạnh và hiểu biết của cộng đồng rằng để có tiếng nói thì mình phải tham gia vào chính giới Hoa Kỳ’.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa còn cho rằng chính sự dấn thân vào chính trường đã khiến ‘dư luận và truyền thông quốc tế chú ý hơn tới người Việt’.

Quận Cam là nơi tập trung người Mỹ gốc Việt đông nhất tại Hoa Kỳ.

Các cử tri gốc Việt ở đây được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng và là cán cân xác định người chiến thắng trong bầu cử giữa kỳ ngày 2/11 tới đây.