Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đang trên đà làm suy yếu và hủy diệt Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo tường thuật của thông tín viên VOA Victor Beattie, đặc sứ của Tổng thống Obama tại liên minh, Đại tướng lục quân hồi hưu John Allen, nói rằng một cuộc phản công lớn do Hoa Kỳ dẫn đầu nhắm vào IS sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Xuất hiện trên chương trình Meet the Press của Đài NBC, Ngoại trưởng John Kerry nói với khán giả Hoa Kỳ rằng liên minh hiện quyết tâm hơn lúc nào hết, nhất là sau vụ công bố đoạn băng video chiếu cảnh thiêu sống một viên phi công của Jordan.
“Đã có những tuyên bố xác nhận cam kết rất mạnh mẽ và gây phấn chấn khắp thế giới Ả rập. 22% các vùng dân cư đông đúc tùng bị IS chiếm đóng đã lấy lại được mà chưa cần phải mphát động một cuộc phản công lớn. Đó là nỗ lực của quân đội Iraq trong khi lực lượng này đang được huấn luyện lại cũng như đứng lên để giành lại một số vùng lãnh thổ. Chúng tôi đã hạ sát một số người trong hàng ngũ lãnh đạo của ISIS. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát của chúng đã bị tấn công và bị làm gián đoạn. Bọn chúng giờ đây không còn có thể liên lạc công khai như trước. Bọn chúng giờ đây không thể đi thành từng đoàn như trước, và nếu có làm như thế, thì bọn chúng sẽ gặp nguy hiểm”.
Ngoại trưởng Kerry thừa nhận rằng còn rất nhiều việc cần phải làm và nỗ lực làm suy yếu rồi tiêu diệt tổ chức IS là một nỗ lực dài hơi. Ông cũng nói rằng quân đội Iraq chưa sẵn sàng mở một cuộc chiến toàn diện chống lại IS và ông nói thêm rằng sẽ là một sai lầm lớn, mang tính chiến lược, nếu quân đội Iraq làm vậy khi chưa thực sự sẵn sàng.
Đại tướng lục quân hồi hưu John Allen nói rằng sẽ có một cuộc phản công trên bộ do Iraq dẫn đầu trong những tuần tới. Trả lời hãng tin Petra của Jordan hôm qua, ông Allen nói rằng các lực lượng Iraq hiện do các đối tác của liên minh cố vấn, đã chiếm lại quyền kiểm soát đập Mosul.
Ông nói rằng các tuyến đường tiếp viện của IS tới Mosul cũng như các tuyến đường ngang qua biên giới sang Syria đã bị cắt đứt. Đặc sứ Hoa Kỳ nói rằng thị trấn Amerli ở miền bắc Iraq, mà từng bị IS vây hãm, nay đã được giải nguy, trong khi đập Haditha trên sông Euphrates hiện không còn bị đe dọa.
Cũng xuất hiện trên chương trình This Week của kênh truyền hình ABC của Mỹ, ông Allen nói rằng việc hành hình viên phi công người Jordan là hành động phản tác dụng của Nhà nước Hồi giáo, và đã khiến các thành viên Ả rập của Liên minh thêm phần đoàn kết và quyết tâm hơn.
“Đó là một thời khắc rất quan trọng đối với các đồng minh Ả rập của chúng tôi trong liên minh, và tôi nghĩ, rộng hơn, trong cả liên minh nữa, những thời khắc như thế sẽ tạo thêm đoàn kết”.
Tuy nhiên, ông Allen cảnh báo rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo vẫn “ở một cấp độ hoàn toàn khác so với al-Qaida trước đây”. Ông nói rằng tổ chức này có tổ chức hơn, có khả năng kiểm soát và chỉ huy tốt hơn, đồng thời có “nhận thức về tình huống chiến trận rộng hơn trên khắp khu vực”.
Bộ trưởng Truyền thông Jordan Mohammed al-Momani nói trên chương trình Face the Nation của Đài CBS rằng các đối tác trong liên minh chưa lên tiếng về việc đưa quân tới thực địa ở Iraq và Syria. Ông nói:
“Tuy nhiên, đây là một cuộc chiến tranh mà Quốc vương Abdullah của chúng tôi từng nói rằng đây là Đệ tam Thế chiến. Cho nên, nếu tình thế thay đổi, chúng tôi sẽ thảo luận vê vấn đề đó, tại một thời điểm nào đó, nhưng hiện nay thì chưa ai nói tới chuyện điều động binh sĩ tới chiến trường. Cuộc thảo luận chỉ xoay quanh việc giúp đỡ quân đội Iraq, các lực lượng vũ trang người Kurd và phe đối lập Syria hoàn thiện lực lượng để giúp chống khủng bố”.
Giới chức Jordan nói rằng các cuộc không kích ba ngày qua đã phá hủy 20% các mục tiêu của IS. Ông nói rằng cái chết của viên phi công của nước ông đã gây ra một làn sóng phẫn nộ khắp thế giới Ả rập và Hồi giáo. Ông nói rằng hiện nay mọi người đang tin tưởng nhiều hơn bao giờ hết là chủ nghĩa khủng bố cực đoan cần phải bị đánh bại.
Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ, Dân biểu Michael McCaul, nói rằng các cuộc không kích do Hoa Kỳ lãnh đạo hiện vẫn còn hạn chế và chủ yếu nhằm mục đích khống chế, chứ không phải là phá hủy Nhà nước Hồi giáo, tổ chức mà ông cho là đang gây ra một mối đe dọa lớn về an ninh cho nước Mỹ.
“Nhà nước Hồi giáo có 50.000 chiến binh và con số này đang gia tăng. Có khoảng 15.000 tới 20.000 trong số đó là người nước ngoài với 5.000 người có hộ chiếu của các nước phương Tây. Có hàng trăm người Mỹ đã tới chiến đấu trong khu vực đó và một số đã trở về. Vì thế, ta có thể nói rằng chúng ta có những kẻ man rợ đứng ngay trước cửa ngõ của đất nước. Chúng ta phải tống cổ chúng ra khỏi cửa và cần phải tiếp tục giám sát những kẻ đã đi qua cửa. Đây là một vấn đề an ninh nội địa nghiêm trọng”.
Đề cập tới các vụ tấn công nhắm vào các văn phòng của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo cũng như tại một cửa hàng thực phẩm của người Do Thái ở Paris hồi tháng trước, ông McCaul nói rằng ông không muốn thấy những gì xảy ra ở Pháp lặp lại ở Mỹ.