Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đang ở Kenya vào tuần này để thảo luận về việc hồi hương an toàn và tự nguyện từ trại tỵ nạn lớn nhất thế giới, Dadaab, mà chính quyền Kenya đe dọa sẽ đóng cửa.
Kể từ khi các tay súng al-Shabab thảm sát 148 người tại trường đại học Garissa vào tháng trước, sự quan tâm của chính quyền Kenya tập trung vào trại tỵ nạn lớn nhất thế giới: Dadaab.
Ngày 11/4, Phó tổng thống William Ruto đưa ra một tối hậu thư cho Liên Hiệp Quốc – đóng cửa các trại tỵ nạn trong vòng 90 ngày, ông nói, hoặc chúng tôi sẽ làm điều đó.
Tuần này, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tỵ nạn, ông Antonio Guterres, đang ở Kenya để thảo luận về tương lai của Dadaab. Ông Guterres đã gặp Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta hôm thứ Tư và cho biết ông đã được bảo đảm rằng 350.000 người tỵ nạn ở Dadaab trên thực tế sẽ không bị ép buộc trả về:
“Chính quyền Kenya đã nói rõ rằng việc trở về sẽ diễn ra trong bối cảnh Hiệp định Ba bên. Hiệp định Ba bên là một hiệp định cho việc hồi hương tự nguyện của người tỵ nạn Somalia về nước trong sự an toàn và phẩm giá. Có một sự bảo đảm rõ rằng đây đúng là trường hợp đó.”
Nhưng ông cũng nói rõ rằng UNHCR đã nỗ lực gấp đôi để giúp cho người tỵ nạn có thể trở về quê hương. Chương trình tái định cư tự nguyện của Liên Hiệp Quốc sẽ được tăng cường, ông nói, và nhiều khu vực hơn ở Somalia sẽ được chấp thuận để nhận những người trở về:
“Tôi muốn tái khẳng định với chính phủ Kenya rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện cho chương trình hồi hương tự nguyện của người Somalia, trong an toàn và phẩm giá, được thành công, bền vững và có ý nghĩa. Điều này đối với UNHCR hiện nay là một trong những ưu tiên toàn cầu của chúng tôi.”
Mối đe dọa gần đây nhất là đóng cửa Dadaab đến từ một nhân vật quyền lực như ông Ruto đã cảnh báo cộng đồng quốc tế. Nhưng ông Andrew Maina của Tổ chức Tỵ nạn Kenya cho biết thông điệp này xảy ra hằng năm:
“Thông điệp đã được chính quyền Kenya liên tục gửi đến UNHCR là chúng tôi mệt mỏi với việc nhận những người này. Hãy tìm một giải pháp lâu dài, hãy đưa họ đi, cách này hay cách khác”.
Trong chuyến thăm của cao ủy cũng thảo luận về vấn đề an ninh ở Dadaab, mà các giới chức Kenya tuyên bố là một hang ổ của khủng bố.
Ông Guterres thừa nhận là an ninh ở trại cần phải được củng cố. Nhưng ông Maina cho biết mối liên hệ giữa Dadaab và chủ nghĩa khủng bố là rất khó chứng minh:
“Vấn đề chính là thiếu chứng cứ rõ ràng giữa việc nhận người tỵ nạn và chủ nghĩa khủng bố và mất an ninh trong nước. Do đó, mối liên hệ giữa hai vấn đề này là có chút không thực và nó thực sự không thể tính vào những vấn đề rộng lớn hơn của chủ nghĩa khủng bố và chiến lược chống khủng bố ở nước này.”
Có điều chắc chắn là al-Shabab vẫn đề ra một mối đe dọa lớn ở Somalia và tại thời điểm này, có rất ít cơ sở có sẵn để bố trí cho những người mới đến.
Một người tỵ nạn Somalia ở Nairobi nói rằng không có nhà cho người trở về, không chăm sóc y tế, và không trường học. Và không có giáo dục, anh nói thêm rằng, những người trẻ sẽ rất có thể tham gia vào một trong những tổ chức sẽ trả tiền cho họ: al-Shabab.
Ông Guterres nói rằng sự đầu tư đáng kể là cần thiết để tạo điều kiện khiến những người tỵ nạn muốn trở về và cho họ một điều gì đó để quay trở lại. Điều này, theo ông, bao gồm việc cải thiện an ninh, và đồng thời xây dựng các dịch vụ công cộng có thể vận hành được.
Nhưng điều này sẽ cần tới một sự đầu tư đáng kể từ phía cộng đồng quốc tế, ông nói thêm, để khiến việc hồi hương quy mô lớn của những người tỵ nạn Somalia có thể thực hiện được.