Lịch sử khẩu trang y tế

Một nhân viên y tế đeo khẩu trang làm việc tại một trung tâm cách ly trong dịch COVID-19, ở Yangon, Myanmar, ngày 24/9/ 2020. REUTERS / Shwe Paw Mya Tin.

Khẩu trang là một câu chuyện cứ được bàn cãi không thôi trong cuộc đối thoại gay gắt về bịnh dịch COVID-19 hiện nay, bao gồm những khía cạnh khoa học kỹ thuật chỉ có ở thế kỷ thứ 21 như các vaccin dùng RNA của siêu vi, một kỹ thuật chưa bao giờ được dùng tới trước đây (1), cũng như những phương pháp đơn giản, từng được dùng qua nhiều thế kỷ, nhưng khó áp dụng thấu đáo như cấm cửa, cách ly xã hội và mang khẩu trang hay mặt nạ mà chúng ta bàn ở đây.

Dùng khẩu trang, hay nói rộng ra mặt nạ, để phòng bịnh có từ thời thế kỷ thứ 17 trong bệnh dịch hạch. Thời đó chưa có kiến thức về nguồn gốc bệnh do vi trùng gây ra, và người ta nghĩ mầm bệnh nằm trong không khí; do đó có từ ngữ "miasma" từ khoảng năm 1660, có nghĩa là khí độc, khí bẩn tỏa từ lòng đất vào không khí, tương tự như khi chúng ta nói "sơn lam chướng khí" để chỉ chất độc bốc lên từ đất vùng bệnh dịch xảy ra. Do đó trong những cơn dịch, các bác sĩ ở Châu Âu mang những mặt nạ hình đầu chim có mỏ nhọn, bọc tới cổ, làm bằng da trong đó chứa các chất hương liệu và các đồ gia vị, có mùi thơm vừa có mục đích khử độc vừa che chở cho bớt mùi hôi.

Prague Doctor

Dần dần, các loại mặt nạ này không còn phổ biến nữa và qua đến thế kỷ thứ 18 thì biến mất, ngoại trừ chuyện chúng được cách điệu hoá trong các trình diễn trên sân khấu hay các cuộc diễu hành đường phố hay carnival.

Đến thế kỷ thứ 18, nhà bác học Pháp Louis Pasteur (1822-1895) giải thích nguồn gốc vi trùng của các bệnh tật (germ theory of diseases). Từ đó nhà phẫu thuật người Anh Joseph Lister (1867) đưa ra giả thuyết cho rằng sở dĩ vết thương bị gây bệnh là do những mầm bệnh của các vi trùng từ bên ngoài nhiễm vào và cổ võ cho "phẫu thuật kháng nhiễm"(antiseptic surgery; hay sát trùng; anti=chống lại, sepsis= nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm)) , chủ yếu là dùng chất sát trùng carbolic acid (nay gọi là phenol) khử các dụng cụ và các vết thương. Lister được coi là "cha đẻ của nền phẫu thuật hiện đại".

Nhưng vào những năm cuối của thế kỷ thứ 19, một thế hệ bác sĩ phẫu thuật mới đã nghĩ ra chiến lược vô trùng (asepsis: a=không có, sepsis= nhiễm trùng, do những vi khuẩn gây làm mủ hoặc lên men) nhằm ngăn chặn vi trùng xâm nhập vào vết thương ngay từ đầu. Bàn tay, dụng cụ, thậm chí hơi thở của người đứng giải phẫu đều bị nghi ngờ có thể là nguồn nhiễm vết mổ. Johann Mikulicz, trưởng khoa phẫu thuật của Đại học Breslau (nay là Warsaw, Ba Lan) bắt đầu làm việc với nhà vi khuẩn học địa phương Carl Flügge, người đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng các giọt nước nhỏ phóng ra từ đường hô hấp (respiratory droplets) lúc ho, nhảy mũi mang theo những vi khuẩn có thể được nuôi cấy. Để đáp ứng với những phát hiện này, Mikulicz bắt đầu đeo mặt nạ vào năm 1897, được ông mô tả là "một miếng gạc được buộc bằng hai sợi dây vào mũ, và quàng qua mặt để che mũi, miệng và râu". Cùng năm đó, tại Paris, bác sĩ phẫu thuật Paul Berger cũng bắt đầu đeo mặt nạ trong phòng mổ. Mặt nạ hay khẩu trang là một chiến lược kiểm soát nhiễm trùng tập trung vào việc ngăn chặn tất cả các vi trùng không cho chúng xâm nhập vào vùng phẫu thuật, trái ngược với việc tiêu diệt chúng bằng hóa chất như trước đó. Một chiến lược chỉ nhắm vào một mục tiêu thu hẹp như vậy không tránh khỏi bị tranh luận hay chê bai, hoài nghi về "toàn bộ trang phục phẫu thuật với nón vải, mặt nạ che miệng và mạng che mặt, được phát minh dưới khẩu hiệu giữ vết thương hoàn toàn vô trùng". Tuy nhiên, mặt nạ ngày càng trở nên phổ biến. Một nghiên cứu với hơn 1000 bức ảnh của các bác sĩ phẫu thuật trong phòng mổ tại các bệnh viện ở Mỹ và châu Âu trong khoảng thời gian từ 1863 đến 1969 đã cho thấy rằng vào năm 1923, hơn hai phần ba đeo khẩu trang và đến năm 1935, hầu hết đều sử dụng khẩu trang.

Một số phụ nữ người Hồi giáo dùng mặt nạ che hết mặt, trừ mắt (hijab) hoặc nửa dưới mặt (niqab) và nay được xem như một biểu tượng tôn giáo. Tuy nhiên trước khi Hồi giáo ra đời vào thế kỷ thứ 7, vải che mặt cho phụ nữ đã được dùng nhiều nơi trên thế giới cũng như hiện diện trong nhiều tôn giáo, văn hoá khác trước đó cũng như hiện nay.

Trong quần chúng, phụ nữ các thành phố Châu Âu từng mang voile che mặt để bớt phải hít bụi bặm. Thời thành phố Paris được chỉnh trang rộng lớn dưới sự điều khiển của Georges-Eugene Haussmann (1853-1870), nhiều khu phố củ bị đập phá để xây dựng những đại lộ thênh thang và những dinh thự khổng lồ, các mạng che mặt lại càng thịnh hành hơn nữa.

Ở Mỹ, trong một bài viết năm 1878 được in trên Hospital Gazette ( Công báo Bệnh viện) và trên tạp chí Scientific American, A.J. Jessup, một bác sĩ ở Westown, New York, khuyên dùng mặt nạ bông gòn để hạn chế lây lan trong dịch bệnh: "Do đó, chúng ta thấy rằng trong lúc việc cách ly và khử trùng chắc chắn sẽ vẫn để bệnh lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân khác, có thể nào chúng ta không hy vọng một cách tự tin rằng, bằng cách ngăn chặn sự xâm nhập của vi trùng vào phổi và máu với một mặt nạ có khả năng lọc và được chế tạo đúng cách, chúng ta có thể chứng kiến cảnh tượng thiên hạ đi bộ trên đường phố trong một thành phố bị nhiễm dịch tả (2), mà không lo sợ bị nhiễm trùng. Một bộ lọc làm bằng bông gòn được làm đúng cách đeo trên miệng và mũi phải ngăn chặn tất cả các loại vi trùng trong khí quyển có thể gây bịnh làm mủ. Chúng ta có thể tự tin đảm bảo rằng các loại vi trùng gây bệnh cũng sẽ bị loại ra tương tự như vậy."

Ông trích dẫn thí nghiệm của mình dùng các ống nghiệm có và không có nút bông để chứng minh lớp bông gòn lọc được các vi trùng, nhưng ý tưởng của ông không được ủng hộ nhiều. Câu chuyện này làm chúng ta nhớ đến việc lợi ích của khẩu trang không được cơ quan y tế quốc tế WHO, quần chúng và cả các cơ quan y tế các nước Âu Mỹ công nhận trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19, trong những tháng đầu năm 2020, và họ chỉ thay đổi ý kiến về sau, sau khi bệnh dịch đã lan tràn tại Ý, Pháp, Anh, Mỹ nhưng lại không thấy bệnh nhiều như vậy ở các nước Đông Á châu mang khẩu trang phổ biến, trong đó có Việt Nam.

Ở Á Đông, trong lịch sử, dân chúng đã quen thuộc và tin tưởng khẩu trang. Mới đây nhất là khẩu trang được dùng rộng rãi từ Bắc Kinh xuống Sài Gòn để tránh ô nhiễm không khí thành thị và hơn nữa giữ làn da trắng của các bà các cô trong một xã hội vẫn cho da trắng mới đẹp (hiện tượng mà người Mỹ gọi là "colorism”, hay chủ trương phân biệt màu da dù là cùng một chủng tộc).

Năm 1910, một bệnh dịch hạch dạng viêm phổi tấn công Mãn Châu. Được triều đình nhà Thanh Trung Hoa bổ nhiệm để lãnh đạo các nỗ lực chống bệnh dịch hạch, bác sĩ Wu Lien-Teh (Wu Liande), sinh quán tại Penang (Mã Lai) và tốt nghiệp tại Cambridge (Anh), cho rằng căn bệnh này lây truyền qua đường không khí và thiết kế các mặt nạ cho nhân viên y tế cũng như công chúng.

Khẩu trang cũng được dùng phổ biến để che miệng và mũi (và râu) trong đại dịch cúm năm 1918-19 và từ đó trở thành phương tiện bảo vệ nhân viên y tế và bệnh nhân khỏi bị lây nhiễm ra khỏi phạm vi các phòng mổ. Trong đại dịch cúm 1918-1919, đeo mặt nạ đã trở thành bắt buộc đối với lực lượng cảnh sát, nhân viên y tế và thậm chí cư dân ở một số thành phố của Hoa Kỳ, mặc dù việc sử dụng nó thường gây tranh cãi. Tuy nhiên, tại các thành phố như San Francisco, tử vong do bệnh cúm suy giảm một phần là do các chính sách bắt buộc đeo mặt nạ. Từ đây, lý do để đeo mặt nạ vượt ra ngoài mục đích sử dụng ban đầu của nó trong phòng mổ: giờ đây khẩu trang cũng bảo vệ người đeo chống lại nhiễm trùng.

Năm 1905, bác sĩ Alice Hamilton (Chicago) công bố các thí nghiệm đo lượng vi khuẩn streptococci phát tán ra ngoài khi bệnh nhân scarlet fever (bệnh phát ban màu đỏ do streptococcus trong họng gây ra) ho hoặc khóc , cũng như vi khuẩn strep từ các bác sĩ và y tá khỏe mạnh khi họ nói chuyện hoặc ho, và do đó khuyến cáo dùng mặt nạ trong khi phẫu thuật. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đa số các bác sĩ phẫu thuật không mang khẩu trang. Tác giả Hamilton viết lại về nhận xét của một sinh viên y khoa: lúc ánh sáng chiếu theo một góc độ nào đó, từ chỗ ngồi của mình trong giảng đường, anh ta có thể nhìn thấy các giọt nước bọt liên tục văng ra ra từ miệng của một bác sĩ phẫu thuật trong lúc ông ta vừa giảng giải vừa tiến hành phẫu thuật. Rõ ràng là việc che miệng lại bằng một cách nào đó ngăn chặn những giọt đờm dãi và phải là biện pháp phòng ngừa thường xuyên cho các bác sĩ và y tá trong khi phẫu thuật.

Cho đến những năm 1930, các khẩu trang y tế được chế tạo bằng nhiều lớp gạc gòn có thể giặt lại nhiều lần kèm theo một lớp kim loại có thể khử trùng sau khi dùng. Qua thập niên 1930's các mặt nạ này dần dần bị thay thế bằng các mặt nạ bằng giấy, dùng một lần rồi bỏ. Qua thập niên 1960's, các khẩu trang y tế làm bằng sợi nhân tạo xuất hiện ào ạt, được gắn chặt sát vào mũi miệng người dùng, và thay vì chỉ ngăn chặn các vi khuẩn từ người mang nó đi ra ngoài, nó còn lọc được không khí từ ngoài vào đường hô hấp của người mang khẩu trang. Các nghiên cứu gần đây so sánh các khẩu trang kỹ nghệ này với các khẩu trang sản xuất thủ công (may tại nhà) và kết luận là chúng bảo đảm an toàn hơn cho người mang nó. Tuy nhiên nếu trở lại mấy mươi năm về trước, lúc người ta so sánh các khẩu trang bằng gạt gòn được sản xuất kỹ nghệ và thiết kế đúng cách, có thể tái sử dụng nhiều lần với các khẩu trang sợi nhân tạo, dùng rồi bỏ hiện nay, khả năng bảo vệ của hai loại không khác nhau lắm. Không những thế khẩu trang làm bằng gòn lại lọc không khí càng tốt hơn sau khi được giặt lại vì các sợi gòn bện với nhau chặt chẽ hơn. Điều này có thể nhắc nhở chúng ta là trong những tình huống mà nhu cầu khẩu trang tăng ào ạt như trong dịch COVID-19 hiện nay, sự tuỳ thuộc hoàn toàn vào các khẩu trang sợi hoá học-dùng một lần rồi bỏ có thể gây những khó khăn lớn lao cũng như những tai hại không lường được, như chúng ta đã từng chứng kiến lúc gần đây tại các quốc gia công nghệ giàu có và tân tiến, lúc mà sự thiếu hụt của các trang bị che chở cá nhân dùng một lần rồi bỏ (disposable personal protective equipment. PPE) như khẩu trang, màng chắn che mặt, áo bảo hộ, đã dẫn đến một tình trạng khủng hoảng có tính cách chiến lược.

Khẩu trang N95 (N95 respirator , xin để ý respirator khác với “ventilator” là máy trợ giúp thở) là mặt nạ bảo vệ đường hô hấp, được thiết kế để giúp giảm người dùng tiếp xúc với các hạt trong không khí bao gồm các hạt rất nhỏ (0,3 micron) và các giọt lớn. Mặt nạ “N95” theo nghĩa đen có hiệu suất lọc ít nhất 95% đối với các hạt không nhờn.

Mặt nạ/khẩu trang phẫu thuật (surgical mask) được thiết kế cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe mang trong quá trình phẫu thuật và điều dưỡng, để giúp ngăn ngừa ô nhiễm của vùng đang phẫu thuật hoặc bệnh nhân bằng cách giữ lại các giọt chất lỏng thoát ra từ mũi miệng người mang mặt nạ.

Mặt nạ N95 chặn ít nhất 95% các hạt thử nghiệm rất nhỏ (0,3 micron), trong khi mặt nạ phẫu thuật (dùng một lần) có khả năng kháng chất lỏng và bảo vệ người dùng chống lại các hạt lớn (5 micron), giọt, phun hoặc bắn tung tóe.

Mặt nạ N95 là "khuôn vàng thước ngọc" cho khẩu trang trong hoàn cảnh y khoa (the standard mask for use in health-care settings). Trong lúc đó, có nhiều bằng chứng trên lâm sàng cũng như trong phòng thí nghiệm cho thấy các loại khẩu trang khác cũng có ích không ít thì nhiều.

Ví dụ, hồi tháng 6/2020 tại bang Missouri, có hai người làm tóc thử nghiệm dương tính với Covid-19 và trong lúc làm việc mang mặt nạ phẫu thuật gồm hai lớp gạc.Họ nhiễm bệnh qua nhiều người khác trong gia đình họ, nhưng trái lại khách hàng của họ thì không ai bị lây nhiễm. Một khảo cứu khác bao gồm gần 200 nước cho thấy ở những nước có lệnh chính phủ hay có tiêu chuẩn phải mang mặt nạ, tỷ lệ tử vong chỉ bằng một phần tư tỷ lệ các nước không bắt buộc mang mặt nạ.

Ở Đại học Hongkong, người ta cho chuột bị nhiễm Covid-19 và chuột lành mạnh ở trong hai ngăn phòng cách nhau bằng những mặt nạ phẫu thuật. Chừng 25% chuột lành mạnh bị nhiễm bệnh , so sánh với 2/3 bị nhiễm nếu không có những mặt nạ ngăn vách giữa hai nhóm chuột.

Trong một nghiên cứu chưa được công bố, Linsey Marr, kỹ sư môi trường và cọng sự tại Virginia Tech (Blacksburg) đã phát hiện rằng ngay cả một chiếc áo phông cotton cũng có thể chặn một nửa lượng khí dung hít vào và gần 80% khí dung thở ra có kích thước 2 µm. Với khí dung có kích thước 4-5 µm, hầu như bất kỳ loại vải nào cũng có thể chặn hơn 80% theo cả hai hướng,nhiều lớp vải sẽ hiệu quả hơn và dệt càng chặt càng tốt. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng mặt nạ có nhiều lớp vật liệu khác nhau - chẳng hạn như bông gòn và lụa - có thể bắt khí dung hiệu quả hơn so với mặt nạ làm từ một vật liệu đơn lẻ.

Mặc dù có những khác biệt giữa các phe nhóm chính trị (tỷ số trong phe dân chủ mang nhiều hơn phe cọng hòa), giữa các trình độ học thức (người có bằng đại học tỷ số cao hơn), tuổi tác (người già nhiều hơn người trẻ), các khoảng cách này đang thu hẹp lại trong khi đại dịch coronavirus tiếp tục diễn ra. Càng ngày càng có nhiều người Mỹ nói rằng họ thường xuyên đeo khẩu trang hoặc che mặt trong các cửa hàng và các cơ sở kinh doanh khác. 85% nói rằng họ đã làm như vậy luôn luôn hay gần như luôn luôn trong tháng qua (90% cho người gốc Á châu), theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được thực hiện từ ngày 3 đến ngày 16 tháng 8, năm 2020. Khi được hỏi câu hỏi tương tự vào đầu Tháng 6, chỉ có 65% người Mỹ cho biết họ thường xuyên đeo khẩu trang.

Bảy tháng từngày bắt đầu các biện pháp cách ly, có vẻ như giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn đại dịch vẫn là cái khẩu trang rẻ tiền và xưa hàng trăm năm nay. Nhà kinh tế Brian Bethune đã cho rằng nếu trước đây Mỹ chịu dùng khẩu trang đồng loạt mà ông gọi là “ giải pháp 25 xu” thi đã tránh được suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đấy là quan điểm của nhà kinh tế, giới y khoa văn chưa hoàn toàn đồng thuận về điểm này và hiện nay đang có những thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, “randomized controlled studies”, ví dụ Christine Benn (University of Southern Denmark, Copenhagen) so sánh một nhóm dùng khẩu trang với nhóm không dùng khẩu trang (nhóm kiểm soát) ở Guinea Bissau (Tây Phi Châu) lúc đại dịch đang hoành hành, sớm lắm đến cuối năm mới có kết quả. Chúng ta hãy chờ xem, nhưng tốt hơn hết thiết nghĩ trong lúc chờ đợi mọi người nên mang khẩu trang và các biện pháp giãn cách, theo hướng dẫn của các cơ quan thẩm quyền để bảo vệ cho chính mình và cho người khác.

Chú thích:

  1. mRNA vaccine: đưa acid nhân RNA của virus vào cơ thể bệnh nhân, cơ thể căn cứ vào đó sản xuất ra kháng nguyên giống như kháng nguyên của virus, sau đó cơ thể sẽ sản xuất kháng thể chống các kháng nguyên của virus đó.
  2. Điều này có thể đúng đối với những bệnh truyền qua không khí, qua các giọt nước dãi (droplets, như bệnh COVID-19, bệnh dịch hạch dạng phổi/pulmonary plague) nhưng đối với bệnh dịch tả (cholera) thì không đúng theo kiến thức hiện nay. Dịch tả do Vibrio cholerae là tác nhân gây ra, là một vi khuẩn hình hạt đậu với cái đuôi dài sử dụng để tự đẩy và di chuyển. Các vi khuẩn được truyền giữa người qua đường phân-miệng (fecal-oral route); cắn một miếng thực phẩm bị ô nhiễm hoặc một ngụm nước bị ô nhiễm có thể gây nhiễm trùng. Một loại độc tố do vi khuẩn tiết ra, nhắm vào các thụ thể trong ruột người, gây ra các triệu chứng đặc thù bệnh dịch tả như tiêu chảy quá nhiều phân lỏng như nước; nôn mửa; mất nước; và, nếu không được điều trị đúng cách, suy giảm nhanh chóng và tử vong.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 15 tháng 9 năm 2020

Tài liệu tham khảo:

1) Pandemics Come and Go But Medical Masks Are Eternal

An illustrated timeline shows how they have brought us together, not kept us apart, over the last 400 years.

https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2020-04-10/medical-face-masks-an-illustrated-history

2) A history of the medical mask and the rise of throwaway culture

DOI:https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)31207-1

https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)31207-1/fulltext

3) The transmission of cholera

https://www.csis.org/blogs/smart-global-health/transmission-cholera#:~:text=Vibrio%20cholerae%20is%20the%20causative,contaminated%20water%20can%20cause%20infection.

4) Niqab

https://en.wikipedia.org/wiki/Niq%C4%81b

5) In Pursuit of PPE

https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMc2010025

6) In the 1918 flu pandemic, not wearing a mask was illegal in some parts of America. What changed?

https://www.cnn.com/2020/04/03/americas/flu-america-1918-masks-intl-hnk/index.html

7) Lynnes Peeple Face masks: what the data say

The science supports that face coverings are saving lives during the coronavirus pandemic, and yet the debate trundles on. How much evidence is enough?

https://www.nature.com/articles/d41586-020-02801-8#ref-CR4

8) More Americans say they are regularly wearing masks in stores and other businesses

https://www.pewresearch.org/fact-tank/2020/08/27/more-americans-say-they-are-regularly-wearing-masks-in-stores-and-other-businesses/