Hội đồng Quốc gia Lâm thời của phe đối lập Libya đang sắp chiếm được một nguồn lợi quan trọng trong lúc họ đang chuẩn bị xuất khẩu từ cảng Marsa al Hariga ở miền đông nước này.
Một tàu dầu đã ghé bến hôm thứ Ba để chất một chuyến hàng đầu tiên chở đi.
Hầu hết những mỏ dầu ở Libya đều ở trong các vùng do phe nổi dậy kiểm soát, nhưng việc sản xuất chỉ nhỏ giọt do tình trạng tranh chấp chính trị và quân sự ở nước này.
Một phát ngôn viên của phe nổi dậy mới đây nói rằng Hội đồng Lâm thời đang hy vọng gia tăng sản lượng từ 150.000 thùng lên 300.000 thùng mỗi ngày.
Hôm thứ Ba đài truyền hình Al Jazeera loan tin rằng những vụ giao tranh ở bên rìa nhiều mỏ dầu đang gây nguy hiểm cho các cơ sở sản xuất dầu.
Đài này loan tin các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi đã cắt điện của giếng dầu Serir và bắt giữ một số nhân viên làm việc tại giếng dầu Mesila.
Những tin tức chưa được xác nhận đưa ra hôm thứ Hai cho biết có giao tranh bằng trọng pháo ở cả hai giếng dầu này, nhưng không có tin xác nhận về thiệt hại.
Chính phủ Qatar đã đồng ý giúp phe nổi dậy bán dầu thô từ miền đông Libya. Phe chống đối cần có tiền mặt và vũ khí để chống lại những phần tử trung thành với ông Gadhafi.
Qatar, Pháp và Ý, quốc gia từng là cường quốc chiếm Libya làm thuộc địa, đã công nhận phe nổi dậy là chính phủ hợp pháp của nước này.
Giáo sư Khattar Abou Diab, dạy môn khoa học chính trị tại đại học Paris, nói rằng hai yếu tố: vị trí chiến lược của Libya trên bờ biển Địa Trung Hải và trữ lượng đầu khí của nước này đã khiến cho quốc tế tranh giành ảnh hưởng.
Ông cho biết Libya là cửa ngõ để đi vào vùng dưới sa mạc Sahara của châu Phi, và rằng dầu hỏa là một trong hai lợi ích trọng yếu. Ông nói lợi ích thứ nhất là vị trí chính trị địa lý, và thứ nhì là dầu hỏa và khí đốt.
Các mỏ dầu hỏa của Libya nằm trong số những chỗ khai thác ít tốn kém nhất, và có chất lượng tốt nhất. Ông nói rằng có thể còn có những mỏ dầu chưa khai thác mà các công ty dầu khí đang hy vọng sẽ tranh được.
Giáo sư Abou Diab nói rằng tất cả các nước Ý, Anh và Pháp đều muốn bảo vệ quyền lợi tại Libya, cũng như Trung Quốc và Nga.
Ông nêu lên rằng Libya đã cho Hoa Kỳ khai thác dầu trở lại nhiều năm trước đây khi quan hệ chính trị giữa hai nước được nối lại. Tổ hợp dầu khí Total của Pháp có quyền lợi đặc biệt tại miền đông Libya và Ý có một đường ống dẫn khí đốt quan trọng chạy từ thị trấn Brega.
Cuộc giao tranh đang diễn ra hiện nay giữa các lực lượng trung thành với ông Gadhafi va quân nổi dậy đã làm tê liệt Brega và thị trấn dầu hỏa Ras Lanouf ở kế cận.
Tại miền tây Libya, tin cho hay đã xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu và những biện pháp trừng phạt kinh tế do Liên Hiệp Quốc áp đặt mới đây đang làm cho nền kinh tế bị tê liệt.
Phe nổi dậy Libya đang chuẩn bị xuất khẩu lượng dầu đầu tiên theo một hợp đồng với Qatar để đưa dầu từ miền đông Libya ra thị trường.