Libya: Sinh hoạt tại khu vực của phe nổi dậy

  • Scott Bobb

Một thanh niên bán mũ, cờ, và các quà lưu niệm khác với màu cờ của phe đối lập ở Benghazi, Libya, 15/4/2011

Giao tranh tại Libya tàn phá những thành phố ven biển miền trung nhưng đời sống tại những phần đất do phe nổi dậy kiểm soát tại miền đông tương đối yên tĩnh.

Trong ngôi chợ Findiq, một chợ rau lớn nhất Benghazi, buôn bán diễn ra tốt đẹp dù có giao tranh cách xa vài trăm kilômét.

Bà Raja Salem đi chợ với chồng là ông Ahmed. Bà nói:

“Những căng thẳng tại đây đã dịu bớt một cách đáng kể từ khi phe nổi dậy kiểm soát thành phố 800.000 dân này. Tôi có thể mua được nhiều thứ tại chợ, nhưng vẫn còn một số không có. Thiếu trái cây và giá cả cao hơn.”

Ông Abdullah Mohamed, chủ nhân một cửa hàng bán vỏ xe, cho biết:

“Hiện nay hầu hết mọi thứ đều có thể mua được. Tuy nhiên với những cuộc tấn công của các lực lượng thân Gadhafi vào những thành phố cách đây 200 kilômét, an ninh là một vấn đề quan ngại lớn. Mọi người lo ngại về bất cứ một cuộc tấn công nào của lực lượng thân Gadhafi.”

Trước đây một vài tuần lễ, tình hình tuyệt vọng vì lực lượng trung thành với ông Gadhafi vào thành phố.

Lo ngại có thể xảy ra một cuộc tàn sát, các chính phủ Tây phương tiến hành những cuộc không kích vào máy bay và xe bọc thép của lực lượng thân Gadhafi, nhờ đó, lực lượng đối lập đẩy lùi lính của Gadhafi ra khỏi thành phố.

Giao tranh làm hàng trăm ngàn công nhân ngoại quốc rời khỏi Libya. Ông Majdi Abdelmomem, chủ một cửa hàng là người Ai Cập. Ông ở lại nhưng ông nói:

“Mọi người đều sợ hãi. Tất cả công dân nước ngoài, không riêng người Ai Cập, đều lo sợ sau khi ông Gadhafi tuyên bố rằng người ngoại quốc không là gì cả. Ông này không phải là con người. Do đó mọi người đều sợ bị tàn sát.”

Có khoảng 2 triệu công nhân nước ngoài cung cấp nhân lực cho Libya, một quốc gia chỉ có 6 triệu dân. Vì có giao tranh, nhiều cửa hàng và nhà máy vẫn còn đóng cửa.

Hội đồng lâm thời cai trị miền đông Libya đã xuất khẩu chuyến tàu dầu đầu tiên chở 100.000 thùng dầu thô. Hội đồng cũng chỉ định lãnh đạo công ty dầu và Ngân hàng Trung ương. Hội đồng cho biết đang tham khảo với các doanh nhân địa phương để thiết lập tín dụng thư giúp họ có thể tái tục nhập cảng hàng hóa.

Tuy nhiên vì giao tranh vẫn tiếp tục cách xa một vài trăm kilômét, các doanh nhân địa phương nói phải mất một ít thời gian trước khi có thể mở cửa lại các doanh nghiệp, bắt đầu làm sống lại kinh tế và đưa mọi người trở lại sinh hoạt bình thường.