Những dòng người đổ qua sa mạc bụi mù băng vào Ai Cập, để lại đằng sau những đời sống mà họ đã xây dựng tại quốc gia giàu tài nguyên dầu khí từng đem lại cho họ một mức đô hy vọng, dù nhỏ nhoi, về sự giầu có.
Họ đã bỏ trốn trong sợ hãi, đem theo bất cứ cái gì có thể được: một số người chỉ đem theo một số vật dụng cá nhân đơn giản, khăn trải giường, một vài bộ quần áo, một ít tiền tiết kiệm giữ được trong nhà. Những người khác không đem theo được gì mà vẫn cảm thấy may mắn là đã còn sống mà thoát nạn.
Anh Wael Mohammad người Ai Cập là thợ làm bánh ở đông bộ Libya. Mặc dầu khu vực này căm phẫn sôi sục với chính phủ ở Tripoli, anh nói anh không sợ vào lúc cuộc nổi dậy bắt đầu.
Anh Mohammad nói anh nghĩ nó sẽ chỉ kéo dài một, hai ngày. Nhưng rồi chính phủ bắt đầu các cuộc phản công. Anh cho biết đã có những vụ tấn công bằng đại bác và trọng pháo. Và những lính đánh thuê. Anh nói thêm, khi đảo mắt khắp vùng đồng bằng Libya, quang cảnh thật là khủng khiếp.
Anh giải thích tình cảnh các đồng nghiệp của anh, đang ở một khu sân bên cạnh, đã bị các chiến binh nước ngoài tấn công ra sao. Anh nói bọn họ có súng, gươm giáo và gậy sắt và đến đây để tàn sát. Anh nói đến lúc đó anh và các bạn anh mới không thể ở lại được.
Nhưng, ngay trong lúc hàng ngàn người như anh Mohammad họp lại thành một làn sóng đổ ra khỏi Libya, thì lại có một luồng người đổ vào.
Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ và các tổ chức nhân đạo khác đang gửi những xe tải chở đầy vật phẩm và đã dựng lều trại cho những người bị thất tán. Các mạng lưới không chính thức cũng đã mọc lên, với những người Libya ở nước ngoài trở về, mang theo tiền bạc, thuốc men, và bất cứ thứ gì có thể được để giúp người đồng hương.
Ông Sayeed Awad làm việc cho Liên đoàn các Bác sĩ Ả Rập. Ông đứng ở biên giới phía bên Ai Cập, và lên tiếng bênh vực cho những người ở phía bên kia.
Ông Awad nói lượng thuốc cung ứng không đủ. Ông cho biết không có sữa và thuộc tê cho trẻ em.
Tuy nhiên, xét trong những lời kể về các khó khăn mà mọi người đã phải chịu đừng, thì các câu chuyện mà những người ra đi kể lại là chuyện về lòng hào phóng của những người dân Libya mà họ đã để lại phía sau. Amni Admini Mohammad là một người chăn cừu ở Saloum gần đó. Ông đã ở về phía bên kia biên giới khi bạo động bùng nổ.
Người đàn ông luống tuổi này ngồi ở phía sau một chiếc xe tải bỏ mui, nhắc lại sự giúp đỡ mà ông đã được người Libya dành cho dọc theo con đường trở về. Ông nói ông đứng về phía họ. Ông cho biết người đi tỵ nạn được sự trợ giúp và những người giúp họ đã không chịu nhận tiền.
Nước mắt ứa ra trong đôi mắt của người chăn cừu.
Ông nghẹn ngào nói họ đã cho ông mọi thứ.
Đứng quanh ông là những người cũng đã bỏ trốn. Họ bầy tỏ lòng biết ơn Thượng Đế và cầu xin Thượng Đế “giải phóng Libya”.
Hàng ngàn người nước ngoài bị kẹt trong tình trạng bạo động ở Libya đang cố tìm cách ra đi. Một số có thể lên máy bay, thuyền phà và các tàu được chính phủ nước họ thuê bao, trong khi những người khác đổ xô băng qua biên giới sang Ai Cập ở kế bên. Theo tường trình của thông tín viên VOA ở biên giới phía đông Libya, nhiều người đã được giúp tới nơi an toàn bởi chính những người Libya đang bị vây hãm.