Lần đầu tiên từ khi dịch tả gây tử vong bùng phát ở Haiti vào năm 2010, Liên Hiệp Quốc thừa nhận rằng các binh sĩ thuộc Lực lượng Gìn giữ Hoà bình của Liên Hiệp Quốc đã đóng một vai trò đáng kể trong việc lan truyền dịch bệnh. Dịch tả này đã giết gần 10.000 người tại quốc gia vùng Caribê và làm lây nhiễm hàng trăm ngàn người khác.
Một người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói rằng Liên Hiệp Quốc cần phải làm hơn rất nhiều để ứng phó với dịch tả ở Haiti, và ông hứa sẽ tung ra “một loạt hành động” để đối phó với cuộc khủng hoảng, có lẽ nội trong vòng hai tháng hoặc ít hơn.
Người Haiti trước đây đã tìm cách kiện Liên Hiệp Quốc về vai trò của cơ quan quốc tế này trong việc tạo ra dịch bệnh, nhưng Liên Hiệp Quốc viện tư cách ngoại giao để được miễn tố.
Chiều tối hôm 18/8, một Toà kháng án Mỹ duy trì quyền miễn tố của Liên Hiệp Quốc, chống những đơn truy tố được đệ nạp thay mặt cho các nạn nhân dịch tả Haiti.
Các diễn biến xảy ra hôm 18/8, 10 ngày sau khi hoàn tất một phúc trình mật, trong đó Liên Hiệp Quốc bị đả kích mạnh mẽ về sự liên hệ với cuộc khủng hoảng.
Ông Philip Alston, một Giáo sư luật cố vấn cho Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân quyền trong tư cách một báo cáo viên đặc biệt, là tác giả của phúc trình. Phúc trình này sẽ không được phổ biến cho tới phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Báo New York Times nói phúc trình này xác định rằng dịch tả “đã không bùng phát ở Haiti nếu không có những hành động của Liên Hiệp Quốc.”
Haiti được coi là “không có dịch tả” trước vụ bộc phát. Dịch tả bộc phát tiếp theo sau trận động đất gây nhiều tàn phá đã giết chết khoảng 200.000 người vào ngày 12/1/2010.
Dịch tả đã được truy gốc tới một cơ sở Liên Hiệp Quốc trên Sông Artibonite gần một căn cứ của Lực lượng Gìn giữ Hoà bình người Nepal tại trị trấn Mirebalais. Nepal lúc đó đang giữa một cơn bộc phát dịch tả khi các binh sĩ Nepal tới Haiti.
Báo cáo viên Alston viết rằng cách xử lý của Liên Hiệp Quốc trong cuộc khủng hoảng dịch tả Haiti là “thiếu đạo đức, không thể bênh vực về mặt pháp lý, và tự hại mình về mặt chính trị”, xét Liên Hiệp Quốc từ lâu nay vẫn đòi các nước thành viên phải tôn trọng nhân quyền mà cùng lúc, lại bác bỏ bất cứ trách nhiệm nào của chính mình.