LHQ kiểm điểm các cách thức Bắc Triều Tiên né tránh chế tài

Tàu chở hàng 6.700 tấn Mu Du Bong của Bắc Triều Tiên tại cảng Tuxpan. (Ảnh tư liệu ngày 9/4/2015).

Một bản phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc cho biết trong thập niên qua Bắc Triều Tiên đã sử dụng nhiều cách thức để né tránh các biện pháp chế tài quốc tế. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, phúc trình được công bố trong lúc Hội đồng Bảo an chuẩn bị biểu quyết về những biện pháp chế tài mới nhắm vào quốc gia độc tài này.

Bản phúc trình - được soạn thảo bởi một uỷ ban của Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ giám sát những vụ vi phạm chế tài, thừa nhận rằng 4 đợt chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên từ năm 2006 tới nay đã không thuyết phục được chính phủ của ông Kim Jong Un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn.

Trong bối cảnh của vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng vệ tinh mà Bắc Triều Tiên thực hiện hồi gần đây, cùng với việc Bình Nhưỡng nhất mực cho rằng họ cần có chương trình hạt nhân để ứng phó với mối đe dọa của Mỹ, bản phúc trình nói rằng “có những nghi vấn rất lớn về sự hữu hiệu của chế độ chế tài hiện nay của Liên Hiệp Quốc.”

Phúc trình này ghi nhận một số vụ tránh né chế tài và trình bày những cách thức mà Bắc Triều Tiên sử dụng để tiếp tục mua bán những mặt hàng bị cấm thông qua hệ thống tài chánh quốc tế, các hãng hàng không và các tuyến vận chuyển đường biển.

Thiếu Hợp Tác

Tàu của Bắc Triều Tiên bị bắt tại Panama hồi tháng 7 năm 2013 vì bị cáo buộc chuyển lậu vũ khí cho Cuba.

Một nghị quyết năm 2006 của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi các nước thành viên báo cáo tất cả những cuộc kiểm tra đối với những chuyến hàng của Bắc Triều Tiên bị nghi có vũ khí hoặc những sản phẩm bị cấm khác, ngay cả trong trường hợp không phát giác có sự vi phạm. Nhưng trong 10 năm qua chỉ có một nước thành viên nộp một bản báo cáo.

Phúc trình cho biết các nước Đông Nam Á, Phi châu và Trung Đông tiếp tục bán cho Bắc Triều Tiên những khí tài quân sự bị cấm, như các loại linh kiện của máy bay không người lái và các hệ thống radar.

Chính phủ Myanmar đã không hợp tác với uỷ ban của Liên Hiệp Quốc khi được hỏi về sự dính líu có thể có của Soe Min Htike, một công ty ở Myanmar, trong những mưu toan nhằm chở tới Bắc Triều Tiên những thanh hợp kim nhôm. Số nhôm, có thể dùng để chế tạo máy li tâm hạt nhân, đã bị tịch thu năm 2012 khi ghé qua Nhật Bản.

Các Công Ty Bình Phong

Mô hình của tên lửa Scud-B của Bắc Triều Tiên tại viện bảo tàng chiến tranh Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc.

Công ty Thương mại Khai thác Mỏ Triều Tiên (KOMID) được xác định vào tháng tư năm 2009 như một công ty chính của Bắc Triều Tiên chuyên xuất khẩu các sản phẩm và thiết bị liên hệ tới phi đạn đạn đạo và vũ khí qui ước.

Nhưng KOMID đã có thể tránh né chế tài bằng cách sử dụng một tên khác và hoạt động thông qua công ty vận chuyển đường biển Leader International ở Hồng Kông.

Công ty Liên hiệp Thương mại Quốc tế Đại Liên ở Trung Quốc đã tham gia những vụ mua bán bị Liên Hiệp Quốc cấm chỉ thông qua một tài khoản của Công ty Phát triển Quốc tế Sunny ở Hồng Kông.

Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc nói “Họ dùng những thủ đoạn che giấu như dùng những người trung gian nước ngoài, các mạng lưới công ty bình phong và không kê khai giấy tờ đầy đủ.”

Những Việc Đáng Lo Ngại

Xe chở tên lửa của Bắc Triều Tiên trong một cuộc diễu hành quân sự hàng năm tại Quảng trường Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng.

Bản phúc trình tiết lộ những mối liên hệ quân sự của Bắc Triều Tiên với Uganda, Eritrea và Việt Nam. Văn kiện này ghi nhận việc sử dụng xe hơi hạng sang loại chống đạn của Âu châu trong các cuộc duyệt binh, việc nhập khẩu vàng và các mặt hàng xa xỉ vào Bắc Triều Tiên từ Israel và Ghana.

Các biện pháp chế tài mới mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ biểu quyết ngày hôm nay có mục đích ngăn chận những vụ vi phạm trong tương lai bằng cách làm cho những cuộc kiểm tra có tính chất bắt buộc, siết chặt những sự hạn chế và tăng cường hoạt động giám sát tài chánh.

Tuy nhiên tầm mức của những vụ né tránh trong quá khứ cũng cho thấy những thách thức trước mắt của việc thực thi lệnh chế tài Bắc Triều Tiên tại nhiều quốc gia, kể cả Trung Quốc, là nơi mà sự chấp hành trong thời gian khá lỏng lẻo.