Các chuyên gia LHQ hôm 12/4 lên tiếng kêu gọi Việt Nam ngưng cấm đoán hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự hay dập tắt tiếng nói đối lập sau khi chính quyền Hà Nội bỏ tù gần chục nhà hoạt động với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.’
Trong một thông cáo báo chí phát đi từ Geneva vào ngày 12/4, nhóm chuyên gia của LHQ nêu ra trường hợp của 6 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bao gồm ông Nguyễn Văn Đài, bà Lê Thu Hà, ông Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, và Phạm Văn Trội, bị tuyên án vào ngày 5/4 với mức án từ 7 đến 15 năm tù giam và khi mãn án còn phải bị quản chế trong nhiều năm.
Các chuyên gia LHQ đặc biệt lo ngại rằng tất cả 6 nhà tranh đấu trên đều bị giam cầm, hạn chế tiếp xúc với luật sư trước khi bị đưa ra xét xử, như vậy rõ ràng đã vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và nhận định rằng chính quyền Việt Nam truy tố họ chỉ vì họ lên tiếng bảo vệ nhân quyền và ủng hộ các hoạt động dân chủ.
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy nói với VOA rằng việc cộng đồng quốc tế lên tiếng bênh vực cho giới tranh đấu Việt Nam là rất đáng quý, nhưng dường như những lời kêu gọi như thế vẫn chưa đủ mạnh.
“Chưa đủ mạnh. Trước đây quốc tế đã gây áp lực đối với Việt Nam rất là nhiều, cũng có tác động nhưng rất ít. Tôi nghĩ rằng các bản vừa rồi là một thách thức đối với công luận quốc tế, thách thức loài người tiến bộ.”
LHQ cũng lên tiếng về trường hợp của nhà tranh đấu Nguyễn Văn Túc, người vừa bị tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế hôm 10/4, cũng với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.’
Trước đó, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và nhiều quốc gia Âu Châu đã lần lượt lên tiếng chỉ trích bản án đối với các thành viên của Hội Anh em Dân chủ và đồng thanh nhắc nhở Việt Nam phải tôn trọng Công Ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ mà Việt Nam đã ký kết.
Hôm 9/4, Quốc hội Đức đăng tải tuyên bố của bà Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức, trong đó bà chính thức nhận bảo trợ cho nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển trong chương trình "Dân biểu Bảo vệ Dân biểu" của Quốc hội nước này.
Bà nói: “Ông Nguyễn Bắc Truyển bị một tòa án ở Hà Nội kết án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế tại gia. Tôi muốn ông ấy được trả tự do.”
Bà Bùi Kim Phượng, vợ của nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, người vừa được thăm chồng vào ngày 23/3 sau gần 8 tháng bị giam cầm, cho VOA biết:
“Anh Truyển đã khẳng định với tôi là ảnh không có tội và tất cả những anh/chị trong hội Anh em Dân chủ cũng không có tội. Anh Truyển đã không còn là thành viên trong hội nữa nhưng họ cớ lý do đó để trả thù đối với ảnh. Anh Truyển có tham gia giai đoạn đầu, vào việc đóng góp ý kiến, đó là quyền bày tỏ quan điểm và ý kiến của mọi người dân, khi ấy hội chưa có hoạt động gì hết. Việc chính quyền cố tình buộc tội anh Truyển là hết sức độc đoán và tùy tiện.”
Hôm 12/4, ngay sau khi Việt Nam tuyên án 7 năm tù đối với nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, và 9 năm tù với bà Trần Thị Xuân, và 1 năm tù đối với ông Vũ Văn Hùng, các tổ chức nhân quyền quốc tế đăng lời kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động.
Ông James Gomez, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Ân xá Quốc tế viết rằng: “Nguyễn Viết Dũng là một nhà hoạt động trẻ dũng cảm ở đất nước mà nhân quyền bị chà đạp. Ông đã từng bị tù trước đó vì các hoạt động ôn hòa của mình.”
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch hôm 12/4 cho rằng “nhà cầm quyền Việt Nam thường tuyên bố tôn trọng nhân quyền nhưng hành động của họ lại cho thấy điều ngược lại.”
Your browser doesn’t support HTML5