LHQ có thể thăm khu vực bị tai tiếng về nhân quyền của Trung Quốc

Cao ủy LHQ về Nhân quyền Michelle Bachelet

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu 28/1 rằng bà Michelle Bachelet, người đứng đầu văn phòng, đang bàn với Trung Quốc về một chuyến đi có thể sẽ sớm diễn ra, theo đó bà sẽ tới khu vực Tân Cương, và chuyến thăm có thể giúp cho những người nước ngoài có cơ hội hiếm hoi được tận mắt tìm hiểu kỹ thực hư xung quanh các cáo buộc về nạn xâm hại người dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Bà Michelle Bachelet lâu nay vẫn đã tìm cách tiếp cận để điều tra một vấn đề đã làm rạn nứt quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây, mà từ vấn đề đó, Washington đưa ra cáo buộc về nạn diệt chủng và tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông sắp tới.

Trung Quốc đã lên án rằng đó là một chiến dịch bôi nhọ tầm cỡ quốc tế.

Văn phòng của bà Bachelet ở Geneva cho biết đang có các cuộc đối thoại để có thể thu xếp một chuyến đi tới khu vực tây bắc Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. South China Morning Post đưa tin rằng hai bên đã thỏa thuận về một chuyến thăm sau dịp Thế vận hội kéo dài từ ngày 4 đến 20/2.

Người phát ngôn của bà Bachelet là Rupert Colville nói trong một cuộc họp báo của Liên Hiệp Quốc rằng “Phạm vi của chuyến thăm vẫn đang được bàn thảo” và nói thêm rằng bà cần được tiếp cận với các thành viên xã hội dân sự và cần có sự tham gia cấp cao của phía chính phủ Trung Quốc.

Trung Quốc đã tổ chức một số chuyến thăm cho các nhà báo và nhà ngoại giao trong những năm gần đây, mặc dù trong điều kiện được kiểm soát chặt chẽ.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc có các hành vi ngược đãi trên quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác, bao gồm tra tấn, lao động cưỡng bức và giam giữ 1 triệu người trong các khu trại.

Trung Quốc gọi đó là các cơ sở cải huấn, phủ nhận chuyện có các hành vi xâm hại và nói rằng họ đang chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Trích dẫn các nguồn không được nêu danh tính, South China Morning Post cho biết chuyến thăm của bà Bachelet đã được chấp thuận với điều kiện chuyến thăm phải có tính "thân thiện", không được mang danh nghĩa là một cuộc điều tra, và sau đó sẽ không đưa ra báo cáo nào.

Phát ngôn viên Colville cho hay chuyến đi dự kiến này hoàn toàn tách biệt với một báo cáo của LHQ về Tân Cương sắp được công bố. "Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng nhóm của chúng tôi sẽ bác bỏ mọi phương pháp tiếp cận không đúng mực", ông nói thêm.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Zhao Lijian, nói rằng bà Bachelet đã được mời đến thăm từ cách đây khá lâu với mục đích trao đổi và hợp tác, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc phản đối bất kỳ hành vi "thao túng chính trị" nào đối với chuyến đi.

(Reuters)