Hôm 3/6, Liên Hiệp Quốc lên tiếng báo động về trình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), cho biết trong một thông cáo rằng các quốc gia này đã gia tăng việc bắt bớ người dân một cách tùy tiện khi họ lên tiếng chỉ trích chính phủ, hoặc chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân về đại dịch, với cáo buộc là loan truyền “thông tin sai lệch” trên mạng xã hội.
“Kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhà chức trách ở Việt Nam loan báo có hơn 600 người dùng Facebook đã bị triệu tập, thẩm vấn liên quan đến việc chia sẻ thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội. Nhiều người trong số họ đã bị xử phạt hành chính và nhiều bài viết đã bị xóa”, thông cáo viết.
Văn phòng OHCHR cho biết thêm rằng tính đến thời điểm này, có ít nhất 2 người ở Việt Nam bị tuyên án hay khởi tố hình sự với mức án 9 tháng tù giam và phạt hành chính hơn 1.000 đôla vì đăng tải thông tin bị cho là “sai lệch” về dịch Covid-19.
Trước đó, truyền thông Việt Nam cho biết vào ngày 11/5, một toà án ở Cần Thơ đã tuyên phạt 9 tháng tù đối với Mã Phùng Ngọc Phú, 28 tuổi, về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, vì đã đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết “xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, nhà nước và thông tin sai lệch” về dịch Covid-19.
Tương tự, vào ngày 19/4, Công an tỉnh Hậu Giang đã bắt giam bà Đinh Thị Thu Thủy, 38 tuổi, với cáo buộc lợi dụng dịch Covid-19 để “tuyên truyền chống Nhà nước”.
Trong khi đó, Bộ Công an Việt Nam cho rằng: “Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh”.
Your browser doesn’t support HTML5
LHQ ghi nhận tại Trung Quốc có hơn một chục trường hợp chuyên gia y tế, học giả và công dân bình thường dường như đã bị giam giữ, và trong một số trường hợp bị buộc tội, vì công bố quan điểm của họ hoặc chia sẻ thông tin khác với quan điểm của nhà nước về tình hình Covid -19, hoặc những người lên tiếng chỉ trích phản ứng của Chính phủ về sự bùng phát của dịch bệnh.
Thông cáo của LHQ viết: “Trong thời điểm khó khăn do đại dịch gây ra, các chuyên gia y tế, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và công chúng phải được phép bày tỏ ý kiến về chủ đề cực kỳ trọng yếu này đối của lợi ích công chúng.”