Lệnh hạn chế ra đường, buôn bán và tụ tập đông người đã được gỡ bỏ tại các địa phương ở Việt Nam trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhà chức trách nói động thái này xuất phát từ thực tế tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
Việc thông thương, đi lại được hy vọng cũng sẽ phần nào giảm bớt khó khăn cho rất nhiều người lao động và các hộ kinh doanh cá thể vốn có cuộc sống dựa vào đồng thu nhập hàng ngày.
Suốt hơn 3 tuần phải đóng cửa không hoạt động buôn bán, gia đình chị Nguyễn Thuý Loan, một hộ kinh doanh mặt hàng máy và các dụng cụ lọc nước từ nhiều năm nay trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội, thực sự rơi vào cảnh túng quẫn. Chị cho biết việc kinh doanh đã rất chậm từ sau Tết do những diễn biến xấu của tình hình dịch bệnh. Nguồn thu nhập vốn chỉ đủ nuôi sống gia đình trong điều kiện bình thường vì thế lại càng eo hẹp hơn. Cho đến trước khi lệnh hạn chế ra đường được ban hành, gia đình 5 người của chị đã phải cầm cự bằng số tiền thi thoảng bán được mội vài bộ lõi lọc và phải tiêu cả gốc lẫn lãi mới may mắn đủ chi trả cho việc ăn uống hàng ngày.
Trước khó khăn không thể xoay sở trong hoàn cảnh hiện tại, chị Loan đành nhờ tới sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ ở quê. Và trước khi việc đi lại giữa các địa phương bị hạn chế, bố mẹ chị đã kịp gửi ra Hà Nội giúp đỡ con gái hơn 20 cân gạo và vài con gà ông bà nuôi trong vườn. Đó là tất cả những gì gia đình 5 nhân khẩu của chị Loan có trong gần một tháng không buôn bán.
Lệnh hạn chế ra đường được gỡ bỏ như trút bỏ cho chị gánh nặng lớn về kinh tế khi chị là trụ cột của gia đình vì người chồng mất sức lao động và con cái chưa đủ tuổi trưởng thành.
Chị cho biết không riêng gia đình chị rơi vào hoàn cảnh khó khăn hiện tại, mà nhiều gia đình khác trên cùng dãy phố cũng không thoát được những lo lắng ‘cơm áo gạo tiền’ hàng ngày.
“Cả cái dãy phố nhà chị họ đều làm kinh doanh tự do, ví dụ như là bán tranh ảnh các thứ. Cả nhà đều trông vào cái cửa hàng đấy luôn, nhà có hai vợ chồng thì cả hai đều ngồi ở cửa hàng bán tranh ấy. Thế mà đóng cửa thì cả hai vợ chồng đều không có lương luôn. Cả nhà ý đều không làm được ra xu nào cả. Quá khó khăn đi chứ, không phải là có khó khăn hay không nữa,” chị Loan chia sẻ.
Mặc dù lệnh hạn chế ra đường đã được gỡ bỏ, nhưng thực tế thì không biết đến khi nào cuộc sống và việc kinh doanh buôn bán mới trở lại như trước đây. Trước mắt những hộ kinh doanh cá thể như gia đình chị Loan là nỗi lo về việc duy trì cuộc sống trong vài tháng tới đây.
Theo thông báo của chính quyền, mỗi hộ có đăng ký kinh doanh và thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm sẽ được nhận hỗ trợ 3 triệu đồng cho ba tháng 4, 5, 6. Nhưng tới giờ, do số người đặc biệt khó khăn quá nhiều, nên chị Loan và các hộ kinh doanh như chị vẫn chưa nhận được đồng nào. Khoản cứu trợ này được xem là ‘thêm được đồng nào hay đồng đấy,’ chứ với 5 nhân khẩu như gia đình chị Loan, số tiền 1 triệu đồng trợ cấp mỗi tháng cũng chỉ đủ trang trải ăn uống cao lắm là 4-5 ngày.
Chị tâm sự: “Nhà chị ăn sáng của bọn trẻ con đã 60 nghìn rồi, chưa kể hai bữa cơm ăn tối và ăn trưa, bỏ rẻ ra đi chợ ngày cũng phải hết hơn 200 nghìn, 250 nghìn cả ăn sáng. Đấy một ngày cứ như thế. Đấy là cho ăn tiết kiệm thôi đấy, chứ còn ăn hoang, ăn ngon thì phải đến 300 nghìn. Mà trong khi đó thịt lợn, thịt gà ở Việt Nam càng dịch bệnh lại càng đắt, thịt rọi lợn giờ ở Việt Nam cũng 17 – 18 nghìn/lạng. Mà trước đấy chưa bao giờ thịt đắt như thế luôn.”
Cùng chung cảnh ngộ với chị Loan là gia đình anh Nguyễn Đức Nam ở quận Đống Đa, Hà Nội, một hộ bán hàng ăn phục vụ sinh viên. Kể từ Tết nguyên đán đến nay, tiệm ăn của gia đình anh Nam hoàn toàn đóng cửa vì sinh viên nghỉ học dài ngày. May mắn là gia đình hiện vẫn đang cho thuê tầng thượng để công ty viễn thông lắp trạm phát sóng nên có thu nhập ổn định 8 triệu đồng/tháng. Hơn 2 tuần trước, anh Nam được thông báo đi nhận 10kg gạo trợ cấp.
Chị Đỗ Thuý Hằng, vợ anh Nam, chia sẻ thêm về những người hàng xóm và cuộc sống hiện tại của gia đình: “Nhất là cái ông sửa xe đạp đầu ngõ ý. Ông ý giờ ra ngoài đường nói là chẳng có bóng ma nào ngoài đường. Bây giờ ở nhà cũng đói mà ra ngoài đường cũng đói nhưng thôi ra ngoài đường nó còn khuây khoả đi. Thế là sáng nào ông ý cũng đem bộ dụng cụ sửa xe ra đầu ngõ ngồi. Hôm anh Nam đi nhận 10kg gạo về đến đầu ngõ lại đem biếu ông ý nói là ông dùng đi, nhà cháu có vợ cháu lo rồi. Ông ý nhận và nói ừ thế là ông lại có gạo ăn. Đấy nhiều người khó khăn lắm ý.”
Hiện tại, sinh viên đã quay trở lại trường học, mặc dù vẫn có rất ít khách hàng tới với tiệm ăn của gia đình do tâm lý lo sợ dịch bệnh, nhưng dẫu sao mỗi ngày anh Nam và chị Hằng cũng bán được 1 – 2 trăm nghìn tiền hàng cả gốc lẫn lãi. Thu nhập này cộng với tiền cho thuê trên tầng thượng cũng tạm đủ trang trải cho cuộc sống gia đình trong thời điểm hiện tại một cách tiết kiệm nhất có thể. Tuy vậy, nỗi lo về cuộc sống gia đình vẫn là một dấu hỏi lớn trong những tháng tới đây vì cuộc sống và hoạt động kinh doanh chắc chắn chưa thể quay trở lại bình thường như vốn có trước đây.