Những thác nước trong và mát đổ xuống từ một trong những suối nước trên núi tại Ain So'ofar dọc theo một con đường làng trong vùng thôn dã nằm dưới những đỉnh núi tuyết phủ. Từ thời xưa, quốc gia này đã được coi như một ốc đảo xanh tươi với nhiều nguồn nước.
Bản đồ chính thức của chính phủ LiBăng cho biết nước này có 12 con sông nhỏ, hơn 3 chục lạch nước và hàng ngàn thác nước và suối.
Mặc dù những nguồn nước dồi dào giúp Li Băng trở thành một trong những nước phì nhiêu nhất Trung Đông, dân chúng tại đây vẫn triền miên thiếu nước dùng, và nhu cầu phải mua thêm nước vẫn khiến người ta đau đầu.
Tại con đập trên sông Litani bên hồ nhân tạo Qaraoun, những tua bin phát điện quay hết tốc độ sau một mùa đông nhiều mưa. Ông Louis Hobeika, giáo sư môn kinh tế tại trường Đại Học Notre Dame tại Li Băng nói rằng, quốc gia này luôn luôn bị khủng hoảng nước và cần phải xây thêm nhiều đập hơn nữa để khai thác nguồn nước.
Giáo sư Hobeika nói: “Vấn đề của chúng tôi là, phí phạm nước để cho chảy ra biển và phí phạm vì đã không lợi dụng nước mưa. Trời mưa xuống và nước mưa chảy thẳng ra biển. Chúng tôi không xây đập để giữ nước mưa lại. “
Li Băng còn xuất khẩu ít nhất là 7 nhãn hiệu nước khoáng cho những nước láng giềng khô hạn cần nước trên bán đảo Ả Rập và trong vùng vịnh. Nhưng đối với những người Li Băng đủ may mắn được chính phủ cấp nước, dịch vụ đó cũng không hoạt động quá 3 ngày một tuần.
Một số chuyên gia tiên đoán rằng Li Băng sẽ bị một cơn khủng hoảng nước trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, giáo sư Louis Hobeika nói rằng cơn khủng hoảng đã bắt đầu rồi:
“Chúng ta đã gặp một cơn khủng hoảng rồi còn gì. Mọi người tại Beirut và khắp mọi nơi đều phải đi mua nước, họ mua nước từng thùng, như vậy rất tốn kém. Tại nhà tôi chẳng hạn, nước không thể uống được, và chúng tôi phải mua nước khoáng. Chúng tôi có nước máy chứ, nhưng chúng tôi không uống được. Tại nhiều vùng ở Li Băng, đặc biệt là trên núi cao, nước không chảy tới nhà mọi người, thế là người ta cũng phải đi mua từng can như bạn đi mua dầu ma zút vậy, như thế mắc tiền lắm.”
Trong những năm gần đây, Li Băng bị liên hệ vào những cuộc tranh chấp chính trị tại biên giới với các nước láng giềng liên quan đến vấn đề nước.
Vào năm 2006, Li Băng than phiền là Israel đã phá hoại hệ thống bơm nước trên sông Wazzani gần biên giới, ngoài những cáo buộc không có cơ sở là nước này đã “ăn trộm nước”.
Vào năm 2008, nhật báo al-Mustaqbal của Li Băng cũng đăng tin là bộ Thủy Lợi của nước láng giềng Syria đã bị bắt quả tang “đào giếng trên phần đất của Li Băng,” và “bơm nước vào những bể chứa trên phần đất của Syria”.
Li Băng có nhiều nước hơn bất kỳ quốc gia Trung Đông nào, nhưng tình trạng thiếu nước vẫn tồn tại dai dẳng vì lý do quản lý sai và hạ tầng cơ sở yếu kém.