Lễ và lộc ở đền Trần

Your browser doesn’t support HTML5

Lễ và lộc ở đền Trần

Bắt đầu từ Mồng Một tháng Giêng, người ở khắp nơi kéo về thăm đền Trần ở Nam Định, nhưng thời gian đông khách tham quan nhất bắt đầu từ ngày 13 cho đến cuối ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Bởi đây là thời gian diễn ra lễ khai ấn, phát lộc. Đây cũng là lúc mọi thứ dịch vụ chung quanh đền Trần tăng lên gấp năm, gấp sáu lần bình thường. Khách sạn, nhà trọ tăng giá gấp đôi và luôn trong tình trạng hết phòng bởi người xin lộc, cầu tài quá nhiều.

Một người đến từ quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, xin lộc ở đền Trần, Nam Định chia sẻ: “Vào đó xin thì mình đưa tiền này, rồi người ta đưa ấn rồi mình mang vào cúng, khấn.”

Với người đi xin lộc, cố gắng chen vào bên trong đền, xin cho được tấm ấn, cúng tiền nghi lễ và sau đó đến gần bàn thờ Đức Thánh Trần để khấn vái cầu lộc, mang tờ ấn về nhà là một điều may lớn.

Ông Nam đến từ thành phố Hồ Chí Minh, khách xin lộc Đền Trần nói: “Tôi không để ý sự chen chúc, vất vả đâu. Miễn là xin được ấn.”

Các hoạt động như cầu khấn, xin keo bằng đồng tiền sấp ngửa do một người chủ lễ làm giúp và khách phải trả tiền công đức cho người chủ lễ, tùy lòng hảo tâm diễn ra khắp mọi nơi trong đền Trần.

Ông Hùng, một người dân Nam Định gắn liền với các lễ hội đền Trần, cho biết: “Theo tục truyền từ thời nhà Trần là vào tối 14 tháng Giêng, rạng sáng 15 tháng Giêng, vua phát ấn để các quan văn võ trong triều bắt đầu đi làm. Nhưng đó là tục truyền, còn thực tế như thế nào thì quá tầm của tôi. Cái này phải hỏi mấy bác bên văn hóa.”

Một chiếc ấn, nếu không thông qua những thủ tục như xin keo để biết các thánh đã chứng hay chưa, cúng tiền để mua lộc và dâng lễ để cầu lộc thì xem như chiếc ấn đó không có giá trị. Trung bình, để kiếm được một chiếc ấn, người ta có thể tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đầu tư vé máy bay, chỗ ở, cúng dường các Thánh, mua mâm lễ vật, thuê người vào giữ chỗ trong vị trí xếp hàng phòng khi sức khỏe kém hoặc có nhu cầu cá nhân để khỏi mất vị trí thứ tự... Nhưng đó là đối với người phương xa, họ đến lễ hội thông qua sự quảng bá của truyền thông. Ngược lại, đối với người dân địa phương thì câu chuyện lại khác!

Một tài xế taxi ở ngay thành phố Nam Định có tuổi thơ gắn liền với lễ hội đền Trần bộc bạch: “Trước đây đâu có đông, chỉ là lễ hội làng thôi mà. Bây giờ người ta thương mại hóa lên nó mới đông thế chứ.”

Dường như không riêng gì tài xế taxi này, mà với nhiều người dân nơi đây, ấn ở đền Trần không có ý nghĩa lớn lao cho việc làm ăn, cầu lộc như khách phương xa đã nghĩ.

Bà Hạnh, một người dân Nam Định gắn với đền Trần lâu năm, tiếp lời: “Tôi đi lễ thôi, không xin Ấn làm gì, chỉ là một tờ giấy thôi, có thêm cái dấu khắc chụp vào chứ có gì mà xin. Tôi chỉ đi lễ để đền ơn Đức Thánh Trần Hưng Đạo thôi. Tôi không xin ấn, thấy người ta chen chúc tôi thấy mệt thật.”

Người dân địa phuơng xem việc đi lễ đền Trần là đến viếng và thắp nhang cho Đức Thánh Trần Hưng Đạo, tưởng nhớ đến công ơn giữ yên bờ cõi của một vị danh tướng nhiều hơn là đi xin lộc, cầu tài.

“Mấy năm gần đây tôi không còn vào đó nữa. Bây giờ nó lộn xộn, không như ngày xưa nữa. Chưa nói vào đó bị mất cắp đủ thứ, lộn xộn lắm,” người tài xế taxi ở Nam Định thở dài ngao ngán.

Nhìn chung, tâm lý cầu tài, cầu lộc, xin ơn đức của các thánh để về làm ăn vẫn là động cơ mạnh nhất để khách thập phương kéo về Nam Định, đến viếng đền Trần. Và một khi đã đến đây, rất hiếm người ra về tay không. Việc chen chân dâng lễ và mang được ấn về nhà giống như thành quả sau một chuyến đầu tư về đất Thánh.