Lễ tổ tiên

Hình minh họa.

Trong ngày Thượng viện Mỹ bắt đầu bàn về vụ đàn hạch Tổng thống Donald Trump, nhiều khán giả truyền hình đã chú ý đến một cử chỉ của ông David Schoen, luật sư của ông Trump. Cứ mỗi lần nâng ly nước lên uống, Luật sư Schoen lại đưa bàn tay phải lên sờ trên đầu mình.

Phải chờ một pháp sư, Rabbi Menachem Genack, thuộc một giáo hội Chính thống Do Thái Giáo, giải thích, mọi người mới hiểu. Ông David Schoen rất sùng đạo. Theo phong tục của người Do Thái, mỗi lần ăn hay uống con người phải cảm tạ Thượng Đế. Thường người ta đội một cái mũ nhỏ chụp trên đỉnh đầu, để nhớ có một Đấng ở trên cao ban thực phẩm cho mình. Bữa đó, ông Schoen không đội mũ yarmulke. Cho nên ông đưa bàn tay lên che đầu theo truyền thống dân tộc.

Những người gốc Do Thái sống khắp thế giới. Không phải ai cũng sùng tín đối với tôn giáo của tổ tiên họ. Nhưng ngay cả những người không còn tín ngưỡng, họ vẫn không bỏ các phong tục cổ truyền.

Richard Bernstein là một ký giả. Trong cuốn “Ultimate Journey,” kể chuyến đi của ông từ Tây An bên Trung Quốc, qua Ấn Độ, rồi trở về, theo con đường mà ngài Huyền Trang đã đi qua vào thế kỷ thứ 7, có đoạn Bernstein cũng nói đến truyền thống Do Thái Giáo của mình. Mặc dù bao nhiêu năm trời ông không hề đặt chân vào một “synagogue,” nhà thờ Do Thái Giáo, nhưng Berstein vẫn không bao giờ tách ra khỏi cái ông gọi là “liên hệ bộ lạc” (tribal connection) với nguồn gốc của mình. Thân phụ ông, sống như một người vô thần, nhưng đến mỗi ngày lễ lạc của Do Thái Giáo ông bố lại chỉ cho các con làm đúng những nghi lễ, thủ tục của tổ tiên.

Người Việt ở khắp thế giới có dịp chia sẻ với nhau một thứ “liên hệ bộ lạc” giống như vậy trong Ngày Tết. Gói Bánh Chưng, ăn Bánh Tét, Bánh Dầy để nhớ mình đều là con cháu Hùng Vương. Thế nào cũng phải có hoa, bày hoa đào, hoa mai càng quý. Mọi người tặng quà cho nhau “Ăn Tết.” Đêm 30 đi lễ chùa hay nhà thờ. Xông đất. Lì xì. Ngày Mồng Một thì kiêng không ai nói một lời bất nhã để lọt tai người khác. Gặp ai cũng chúc lành. Không giận dữ. Không mắng, không chửi. Không đòi nợ. Không ai muốn mắc nợ từ năm cũ sang năm mới. Trước Tết người ta đi đòi nợ ráo riết. Tú Xương viết: “Tối 30 nợ réo tít mù …” Nhưng sang ngày mồng một, chủ nợ gặp con nợ lại tươi cười chúc Tết nhau, tuyệt nhiên không ai nhắc tới chuyện nợ nần.

Ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, nhiều người Việt còn giữ những tục lệ như đốt pháo, đánh bài, xông đất, chọn hướng xuất hành, cho đến thói quen không quét nhà, không đổ rác, và … không tắm gội. Muốn vậy thì phải dọn dẹp nhà cửa, đổ rác, tắm gội cho sạch sẽ trước hôm Tết. Tất cả những phong tục đó đều lành và đẹp, ít nhất cũng vô hại. Ai cũng làm theo thì sẽ tạo nên những giờ phút sống tươi vui, êm ấm, dịu dàng. Như thi sĩ Lan Sơn mô tả, “Đời ngọt ngào như có vị đường” mỗi lần trái đất bắt đầu một vòng quay mới quanh mặt trời.

Trong các phong tục ngày Tết Nguyên Đán, người Việt mình gìn giữ nhiều nhất là lễ gia tiên. Dù theo tôn giáo nào, ngày Tết ai cũng thắp một nén nhang, tưởng niệm tổ tiên.

Đối với những người Việt ở xa quê hương thì lễ gia tiên còn quan trọng hơn khi ở quê nhà, vì đó là một dịp chúng ta nối liền quá khứ với hiện tại, trong khi vẫn hướng về tương lai. Ngày Tết, các gia đình sẽ có dịp giải thích với con cháu tại sao phải lễ lạy trước bàn thờ. Đây là lúc nhắc nhở con cái về lịch sử của ông bà, lịch sử đất nước. Kể lại cho con cháu nghe tại sao gia đình mình lại sống ở bên ngoài nước Việt Nam.

Khi tưởng nhớ tổ tiên, chúng ta cũng tạo cho các thế hệ trẻ về niềm tự hào văn hóa của dân tộc. Trong các cuốn sách nghiên cứu sử học gần đây, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã nêu nhiều chứng cớ cho thấy người Việt Nam đã có phong tục thờ cúng tổ tiên trước khi bị các quan thái thú đời Đông Hán ép theo văn hóa Trung Hoa. Trong Tiền Hán Thư kể chuyện một người Việt giải thích cho Hán Vũ Đế về việc thờ người chết và phong tục gọi hồn. Những ngôi mộ cổ từ hàng ngàn năm trước Tây lịch cho thấy nhiều vật tùy táng, coi như những người đã chết vẫn tiếp tục sống ở một thế giới khác. Kinh Lục Độ Tập được Thiền sư Khương Tăng Hội, người Ấn Độ sống ở nước ta vào thế kỷ thứ ba, dịch sang chữ Hán. Lê Mạnh Thát đã biện luận rằng bản kinh đó có thể đã dịch ra từ một bản văn của tổ tiên người Việt. Bản Hán dịch cho thấy Kinh Lục Độ Tập không xuất phát từ một bản chữ Phạn, vì có những khái niệm mà các kinh văn chữ Phạn không bao giờ dùng tới. Thí dụ nói đến tục chôn người chết, tục bỏ tiền vào miệng thi hài, những tục đó không thông dụng ở Ấn Độ cũng như Trung Hoa. Những luận giải trong kinh này về Hiếu, Hạnh, không có trong văn học chữ Phạn mà cũng không giống với quan niệm Nho giáo ở Trung Hoa thời đó. Ngoài ra, cấu trúc ngôn ngữ nhiều chỗ theo văn pháp tiếng Việt, ngược với văn pháp chữ Hán, như khi viết “Tượng Phật” thay vì “Phật Tượng.”

Từ đời Hán người Trung Hoa coi chữ Hiếu là đứng đầu các tính tốt, thể hiện đạo Hiếu với một thái độ “giáo điều,” trong khi theo kinh Lục Độ Tập, như Lê Mạnh Thát thuật lại thì chữ Hiếu của người Việt không có vai trò độc tôn. Vì lòng thương người, thương muôn vật mới là đức tính quan trọng nhất.

Ngày nay chúng ta lễ tổ tiên như thế nào?

Nghi lễ đặt ra không phải chỉ vì người ta làm bổn phận với Trời, Phật, Tiên tổ, mà còn gây tác dụng trên lòng người, giúp con người hướng đến điều lành, ghi khắc trong lòng các giá trị truyền thống. Việc thờ cúng ông bà chỉ có tác dụng nếu người hành lễ chú tâm tưởng niệm, như thể tổ tiên đang hiện diện trước mặt mình. Điều mà các bậc phụ huynh chúng ta cần giải thích cho con. Hành động lau chùi, bày biện ban thờ cho sạch sẽ, trang nghiêm là một bài học nên truyền lại cho con cháu. Bàn về việc hành lễ, đức Khổng Tử nói: “Tế như tại,” nghĩa là “lễ tổ tiên như thể tổ tiên có trước mặt mình.” (Luận Ngữ, Thiên Bát Dật, câu 12.)

Điều các em có thể hiểu, là trong mỗi cá nhân đều có những hạt giống, có dòng máu di truyền của ông bà, cha mẹ. Những hạt giống di truyền đó nằm ở trong ta, đi theo chúng ta suốt cuộc đời, rồi mỗi người sẽ truyền lại cho con cháu mình. Có thể nói mỗi người đều mang trong mình một phần những tế bào sống và những kinh nghiệm tâm linh của tổ tiên. Di sản của tổ tiên còn gồm cả những điều người xưa ước ao, mong mỏi xây dựng cho các thế hệ con cháu, gọi là Phước Đức.

Người Việt Nam tin vào Phước Đức. Đây cũng là một thứ tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc. Người Ấn Độ, người Trung Hoa không đề cao Phước Đức như dân Việt vẫn tin tưởng. Khi một người Việt làm điều thiện, tránh điều ác, hành động đó không phải chỉ cốt tạo ra những hậu quả tốt cho chính mình, mà còn muốn “đầu tư,” để dành vốn “Phước Đức,” cho con cháu đời sau hưởng.

Cũng vậy, mỗi thế hệ con cháu cũng nghĩ rằng trong đời mình có khi gặp được điều tình cờ may mắn không thể giải thích được, thì một phần là do Phước Đức ông bà để lại cho. Niềm tin vào phước đức nối kết các thế hệ với nhau. Với niềm tin tưởng đó, mỗi thế hệ đều biết ơn tổ tiên vì những phước đức tích lũy từ đời trước. Rồi đến lượt chính mình cũng muốn làm điều thiện để cất đầy trong kho phước đức chung đó.

Khi hiểu rằng trong mỗi người chúng ta không những chứa đựng những hạt giống di truyền sinh học, mà còn mang theo các hạt giống của tất cả những việc thiện mà tổ tiên để lại, thì các bạn trẻ của chúng ta dễ cảm thấy liên hệ của tổ tiên với chính mình. Vì thật sự tổ tiên đang hiện diện ở trong bản thân họ. Khi đó việc cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên có một ý nghĩa sâu xa hơn, theo châm ngôn “Tế như tại.”

Thờ cúng tổ tiên không cần các nghi lễ phức tạp. Để cho thế hệ trẻ lễ ông bà một cách tự nhiên, thoải mái, nên làm lễ đơn giản, chú ý nhiều đến nội dung hơn là hình thức. Ông Khổng Tử, người thường bị “kết tội” bày đặt nhiều nghi lễ, thực ra cũng biết rằng: “Lễ, dữ kì xa dã, ninh kiệm. Tang, dữ kì dị dã, ninh thích.” Nghĩa là việc hành lễ mà xa xỉ thì nên kiệm ước còn hơn; tang lễ mà quá chú trọng nghi tiết thì chỉ bày tỏ lòng thương xót còn tốt hơn. (Luận Ngữ, Bát Dật, 4.)

Cầu mong quí vị, các bạn, và gia đình hưởng một Tết Nguyên Đán đầy ý nghĩa và một năm mới bình an hơn năm qua.