Lễ đặt Vòng Hoa Tri Ân tại Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam

Lễ đặt Vòng hoa Tri ân nhanh chóng trở thành một truyền thống dù chỉ mới được phát động cách đây 4 năm.

Your browser doesn’t support HTML5

Nghe toàn bộ bài tường trình tại đây


Hôm Thứ Bảy 25 tháng Năm 2013, một buổi lễ đặt vòng hoa tri ân do người Việt tại thủ đô Washington tổ chức đã diễn ra tại Bức Tường Đá Đen, tưởng niệm hơn 58,000 binh sĩ Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.

Chương trình đặt Vòng hoa Tri ân đã nhanh chóng trở thành một truyền thống dù chỉ mới được phát động cách đây 4 năm. Bác sĩ Trần Quốc Dũng, một hội viên của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam tại thủ đô Washington, giải thích động cơ đã thúc đẩy ông phát động chương trình Vòng hoa Tri ân:

“Từ mười mấy năm nay, tôi vẫn quan tâm đặc biệt tới ngày Memorial Day, nhưng từ khi gia nhập Hội Nhiếp ảnh thì chúng tôi thường đi chụp hình những buổi lễ của Ngày Chiến sĩ Trận vong, những ngày đó tôi để ý thấy những thân nhân, những người bạn của những người đã mất và có tên trên tường, họ tới họ cầu nguyện và sờ tên của người thân rồi họ khóc, cái đó làm cho tôi rất cảm động. Cách đây chừng 4 năm, tình cờ tôi dẫn một vị Thượng Tọa tới thăm Korean War Memorial, tôi thấy một cặp vợ chồng người Đại Hàn mang bình nước để xịt lên một vòng hoa. Tôi hỏi thì ông bà nói họ đã được người Đại Hàn cử là cứ mỗi tuần phải có một vòng hoa tươi đặt tại đó, và trong tuần phải mang nước tới tưới cho hoa được tươi. Tôi mới hỏi tại sao người Việt mình không làm được như vậy, thì từ đó tôi khởi tâm là mình phải phát động các bạn bè anh em để dâng một vòng hoa để tri ân những chiến sĩ Mỹ đã hy sinh tại Việt Nam.”

Bác sĩ Dũng nói trong quá khứ, cộng đồng Việt Nam đã nhiều lần mang vòng hoa tới Đài Tưởng Niệm để tri ân, vai trò của ông chỉ là cổ động để tạo ra một thông lệ hàng năm đúng ngày Chiến sĩ Trận Vong, để tăng thêm ý nghĩa cho hành động đó.

Bác sĩ Dũng nói vì xúc động với những lời lẽ trong những lá thư để lại dưới chân bức tường Đài Tưởng niệm, lúc khởi xướng chương trình, ông đã yêu cầu mọi người hãy viết thư hay để lại một lời cảm ơn. Lời kêu gọi đó đã được sự hưởng ứng của nhiều người Việt tại Hoa Kỳ:

“Năm đầu tiên có một cô tên Julie Trần, cô ấy viết một bài thơ rất là ngắn nhưng mà tôi đọc, tôi thấy cảm động quá, thế là thay vì viết thư và để dưới chân tường, tại sao mình không làm một cái poster? Thì lúc tôi làm thì tôi cũng hy vọng mọi người sẽ chú ý đọc lời cám ơn của mình, nhưng tôi không ngờ lúc mình trưng ra như vậy, thì rất nhiều cựu chiến binh họ đi ngang qua họ đọc, họ dừng lại đó rất lâu, có nhiều người khóc, lấy khăn thấm nước mắt, thì lúc bấy giờ tôi hiểu ra là à, cái chuyện mình làm là phải và như vậy mình lại càng phải làm ra cái thông lệ hàng năm...”

Năm nay, một bài thơ tiếng Việt của ông Tuệ Kiên ở bang Texas đã được cô Hoàng Tâm ở vùng Washington DC dịch dang tiếng Anh cho người Mỹ đọc.

“Tôi đọc thấy cảm động quá cho nên phải tìm một người nào để dịch ra tiếng Anh để người Mỹ họ hiểu hơn, thì chị Hoàng Tâm ở vùng này, chị ấy dịch khéo quá đến nỗi mình đọc là mình cảm thấy liền. Rồi may lại có một anh là Hoàng Kim Anh anh ấy phổ nhạc. Lúc mà tôi nghe cái bản nhạc ấy thì tôi nghĩ trời ơi, nếu mà mình kiếm được một người nào mà hát cái bản nhạc này thì lại càng có ý nghĩa hơn nữa, cho nên tôi đã nhờ chị Như Hương ở vùng này và chị đồng ý giúp, quốc ca Hoa Kỳ và cái bài hát này, tôi thấy nhiều người nghe lại càng cảm động hơn.”

Năm nay, một buổi lễ cầu nguyện còn được cử hành với sự tham gia của các vị lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo cộng đồng người Việt vùng Washington.

Đối với các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, hàng động tri ân của người Việt mà họ tình cờ được chứng kiến, là một ngạc nhiên gây xúc động.

Một số cựu chiến binh Mỹ kéo tới xem lễ và được đại diện cộng đồng Việt Nam trực tiếp ngỏ lời tri ân, đã cảm động rớt nước mắt. Ông Earl Wood nói:

“Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người đã đến đây để chia sẻ Ngày Chiến sĩ Trận vong với chúng tôi. Chúng ta có mặt ở đây để tưởng niệm những đồng đội đã nằm xuống, đã chiến đấu cho nhân dân miền Nam Việt Nam, và gặp lại quý vị bây giờ, chúng tôi lấy làm tự hào là đã giúp quý vị, và chứng kiến quý vị bây giờ được hưởng tự do như chúng tôi.”

Một trong những người phục vụ phong trào chào mừng cựu chiến binh Mỹ trở về từ chiến tranh Việt Nam bắt tay và thân mật ôm lấy từng người đi ngang qua để tới Bức Tường Đá Đen, với câu nói chân tình: Welcome home, brother!

Ông cho biết cảm tưởng về buổi lễ tri ân của người Việt:

“Chúng tôi lấy làm tự hào là đã phục vụ trong quân đội và đã giúp đất nước của quý vị. Chúng tôi lấy làm cảm kích là quý vị hôm nay nói lên lòng biết ơn về những gì chúng tôi đã làm, và hy vọng chúng tôi sẽ được gặp lại quý vị trong năm tới.”

Suốt mấy thập niên qua, dù tích cực tham gia các hoạt động để bênh vực quyền lợi của các cựu chiến binh đã tham chiến tại Việt Nam, và luôn luôn có mặt trong khuôn viên Đài Tưởng Niệm để chào mừng các chiến hữu trong Ngày Chiến sĩ Trận vong, ông Spencer Nave chưa từng một lần bước xuống dưới kia và đi ngang qua Bức Tường Đá Đen, nơi ghi khắc tên của người em họ và nhiều đồng đội của ông. Ông Spencer Nave:

“Đã hơn 40 năm trôi qua, tôi sang Việt Nam từ năm 1964 và rời Việt Nam vào năm 1966... Trong bao nhiêu năm nay, tôi chưa bao giờ có đủ can đảm để đi ngang qua Bức Tường Đá Đen dưới kia, nơi tên của người thân và đồng đội của tôi được ghi khắc. Chứng kiến buổi lễ hôm nay, chúng tôi lấy làm cám ơn quý vị đã bày tỏ lòng cảm kích của quý vị. Điều đó chắc chắn làm chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn.”