‘Lấy gì mà xử nó?’
“Đã kêu là phải ra luật Biểu tình đi. Không có luật mà nó cứ kéo đi rần rần thế này thì lấy gì mà xử nó?” - có người thuật lại lời than của một quan chức trong một cuộc họp “sơ kết” sau những cuộc biểu tình “cá chết Formosa” lên đến gần chục ngàn người ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, chưa kể những cuộc biểu tình của giới Công giáo ở Nghệ An và Hà Tĩnh trong tháng Năm năm 2016.
Một khả năng tréo ngoe có thể xảy ra trong nửa cuối năm nay: không phải giới đấu tranh nhân quyền và người dân, mà chính quyền mới là chủ thể “mót” luật Biểu tình nhất.
Công an chẳng biết phải làm gì để “siết” nữa. Từ lâu, những đòn phép đối phó với phong trào biểu tình dân oan từ năm 2007 và biểu tình chính trị từ năm 2011 đã được tung ra hết: trên hết là thói trấn áp và “biện pháp nghiệp vụ” của ngành công an, sau đó là luật Giao thông đường bộ, luật Hình sự về “gây rối trật tự công cộng”, kể cả những điều luật khắc nghiệt chính trị như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (258), “tuyên truyền chống nhà nước” (88), “lật đổ chính quyền nhân dân” (79) đã từ lâu được dùng để áp chế giới bất đồng chính kiến nhưng chỉ khiến nảy sinh “bắt một sinh mười”.
Cuối cùng, chỉ còn lại luật Biểu tình.
Giới dư luận viên - vốn hung hăng nhất trong giọng điệu “ra luật để có cớ quậy à?” cùng những chiến dịch lên án và mạt sát dân oan khiếu kiện, người dân biểu tình chống Trung Quốc - lúc này lại đang vội vã đánh tiếng: “Cần lắm luật Biểu tình”.
“Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý” - một luận điểm ngày càng chiếm đa số trong giới quan chức phải chường mặt ra đường trước đám đông phẫn uất. Có khả năng luận điểm này sẽ được đưa ra kỳ họp đầu của Quốc hội khóa mới để “quyết”.
Phải có luật Biểu tình. Có luật mới “xử được nó”!
Đói quá lâu sẽ hết đói
Chẳng khó để hình dung, những lý do để lôi luật Biểu tình ra sẽ lại được tô vẽ: quyền biểu tình của người dân nằm trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1982. Dù gì Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2013. Việc ban hành luật Biểu tình không chỉ đáp ứng lòng dân mà còn thỏa mãn được yêu cầu của quốc tế về cải cách luật pháp, biết đâu nhờ đó Hoa Kỳ và phương Tây sẽ mở lại kênh cho vay vốn ODA và IDA với lãi suất ưu đãi, chưa kể nhiều lợi ích khác như TPP, vũ khí sát thương, quy chế kinh tế thị trường đầy đủ…
Thực tế ngược ngạo và hài hước trên lại xuất phát từ chính một chế độ đã đau đầu tìm cách quay lưng lại với luật Biểu tình từ ít nhất một phần tư thế kỷ qua, nếu tính từ thời điểm quyền tự do biểu tình của dân chúng được Hiến pháp năm 1992 quy định
Một hình ảnh quay lưng điển hình là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - dù tồn tại đến mốc meo như một “cai đầu dài” với cơ chế hưởng thụ “hiến định” 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp - đã chưa từng tổ chức được một cuộc đình công nào, nếu không nói là ngược lại, để giúp tầng lớp công nhân đói kém đòi quyền lợi, cho dù từ năm 2005 đến nay cứ đều đặn nổ ra hàng ngàn cuộc đình công mỗi năm.
Đói quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Xuống đường, rồi muốn ra sao thì ra…
Làm sao ‘xử’ được cả biển người?
Đảng và chính quyền đã quá chủ quan trước quyền lực chỉ còn là ảo ảnh của họ. Cách đây 5 năm khi nổ ra loạt 11 cuộc biểu tình liên tiếp phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn, giới đảng trị vẫn không hề muốn ban hành luật Biểu tình “để xử nó”. Còn việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc hội đề nghị cần có luật Biểu tình thực ra chỉ làm sống động thêm hình bóng cái bánh vẽ đã lúc nhúc dòi. Bởi từ đó cho đến lúc bị gạt thẳng thừng ra khỏi Bộ Chính trị, ông Dũng đã chẳng hề làm thêm động tác gì để làm giảm hiệu ứng chết trôi của luật Biểu tình.
Thậm chí ngược lại, chỉ vào đầu năm 2016 và qua một tiết lộ của quan chức Văn phòng chính phủ, người dân mới biết chính Thủ tướng Dũng - có lẽ vì tức tối Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - đã chỉ đạo các ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Tư pháp viện ra nhiều lý cớ để hoãn trình luật Biểu tình ra Quốc hội.
Trong khi đó, Bộ Công an - cơ quan đặc thù bởi “chuyên môn” về trấn áp và đàn áp người xuống đường - lại được Thủ tướng Dũng giao nhiệm vụ soạn thảo luật Biểu tình từ năm 2011. Nhưng trong 5 năm qua, cơ quan bộ này đã không ít lần viện dẫn “còn nhiều ý kiến khác nhau”, cộng thêm với “cống hiến” mang tính phản bác của giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng từ thời “tướng chữa bệnh” Phùng Quang Thanh - để cho tới nay vẫn hoàn toàn quay mặt với thứ quyền không còn gì để mất của rất nhiều người dân - nạn nhân của nạn thu hồi đất đai vô lối và phi pháp, nạn nhân ô nhiễm môi trường, công nhân bị bóc lột, những người bất đồng chính kiến bị bịt miệng và bị tống vào tù vì dám nói ra sự thật…
Thời gian luôn tiến về phía trước. Lịch sử cũng đổi sắc theo thời gian. Nhưng não trạng của giới quan chức quen độc đoán và độc trị lại hầu như đóng bùn. Sau phong trào khiếu kiện đông người của dân oan đất đai tại hàng chục tỉnh miền Tây ở Sài Gòn vào năm 2007, đa số ý kiến trong nội bộ đảng vẫn chỉ cho đó là các cuộc biểu tình tự phát và nhất thời. Phương châm của đảng là cứ để một thời gian rồi mọi chuyện sẽ lắng lại, khi đó sẽ đem ra “xử” những kẻ cầm đầu biểu tình.
Nhưng đến cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người ở Sài Gòn phản đối Trung Quốc vào năm 2014, giới đảng và chính quyền hẳn đã nhận ra trong dòng người cuồn cuộn ấy chỉ có một ít gương mặt là “phản động” - tức những người đấu tranh dân chủ nhân quyền và đại diện cho các hội nhóm xã hội dân sự độc lập. Còn lại là dân chúng.
Hoàn toàn có thể ghi nhận năm 2014 là mốc khởi nguồn cho phong trào biểu tình của dân chúng.
Một năm sau đó, hình ảnh dân chúng một lần nữa xuất hiện đầy đặn trong cuộc biểu tình chống chặt hạ cây xanh ở Hà Nội.
Lại thêm một năm, tháng Năm năm 2016, bất chấp chính phủ có muốn ban hành luật Biểu tình hay không, người dân đã đổ ra đường biểu tình vì nạn cá chết miền Trung. Cũng như nguồn cơn của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhưng đồng thời khinh bỉ thói quỳ gối không biết mệt của chính quyền Hà Nội trước Bắc Kinh, tâm trạng và biểu cảm của dân còn muốn phản ứng và phản kháng với nhà cầm quyền vì cách hành xử quá chậm chạp và quá khuất tất mà không công bố được nguyên nhân cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung.
Bây giờ, mọi chuyện dường như đã quá muộn đối với chính thể. Quá muộn để “lấy lại lòng tin của nhân dân”. Cũng quá muộn để ra luật Biểu tình.
Nếu trước đây cố trì hoãn ban hành luật Biểu tình là để đối phó với với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì sắp tới có cho ra luật này cũng chỉ nhằm “xử” dân. Chỉ có điều, thực tiễn quá trần trụi và đe dọa sự tồn vong chế độ là nếu giới nhân quyền chỉ có một ít, thì dân đi biểu tình lại là một biển người.
Lấy gì bảo đảm là có luật Biểu tình thì sẽ “xử” được cả biển người căm phẫn đến tột độ ấy?
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.